Mới đây, UBND thành phố Hà Nội có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án metro số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp cuối năm 2020. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP.
Dự tính, tuyến metro số 5 sẽ là tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và 29,93 km đi trên mặt đất. Tuyến đường đi qua địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.
Cụ thể, tuyến đường “trong mơ” này bắt đầu tại khu vực đường Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám. Tuyến đi ngầm 2 ống đơn dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, nó bắt đầu chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của dải phân cách Đại lộ Thăng Long.
Theo đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65.404 tỷ đồng. Dự án sẽ được đầu tư bằng ngân sách thành phố, gồm: Vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khoảng 15 nghìn tỷ đồng; nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (từ 18 nghìn đến 20 nghìn tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10 nghìn tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Như vậy, rất có thể Hà Nội sẽ có thêm một tuyến đường quan trọng. Và nếu đúng như dự kiến chỉ cần 4 năm là xong thì quả là “như một giấc mơ”.
Nói là giấc mơ vì thực tế trước nay chúng ta đã mơ quá nhiều. Ví dụ như giấc mơ về tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, khởi ngày 10/10/2011, tới nay đã 9 năm chưa xong, trong khi chỉ dài hơn 10 km. Lui tiến độ cũng đã tới 8 lần. Hoặc như việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long, cây cầu quan trọng nhất nối hai bờ sông Hồng khu vực Hà Nội, hiện đang ở lần sửa chữa thứ tư được coi là “đại công trường trùng tu” khi lớp bê tông được bóc đi rồi phủ lại bề mặt bằng công nghệ mới. Tổng kinh phí làm đẹp mặt cầu lần này vào khoảng 270 tỷ đồng.
Nhắc lại, trong lần đại tu năm 1999, người ta đã cào bóc 3 cm lớp trên mặt cầu và thảm phủ lớp bê tông nhựa mới. Năm 2009, mặt cầu Thăng Long lại được thay thế lớp phủ bằng công nghệ vật liệu SMA. Nhưng chỉ sau chừng 2 tháng, mặt cầu lại hư hỏng và phải sửa chữa lớn vào những năm 2011-2012.
Hẳn nhiều người Hà Nội vẫn nhớ, ngày 9/5/1985, sau 11 năm xây dựng, người ta hân hoan thế nào khi cầu Thăng Long chính thức thông xe. Lúc đó nội thành Hà Nội chưa rộng như bây giờ, người dân cũng ít xe máy lại càng hiếm ô tô, thế là đèo nhau bằng xe đạp đi xem cầu. Đứng trên cầu giữa sông Hồng lộng gió mà thấy đời lên hương.
Người Hà Nội mong muốn thành phố của mình phát triển đến chừng nào, mơ ước về những cây cầu, những tuyến đường đến chừng nào. Nhất là khi mà hiện nay những tuyến đường ra vào nội thành kẹt cứng thì người ta lại càng mong “mạch máu giao thông” phải hiện đại lên, rộng rãi hơn. Mới đây thôi, chiều tối ngày 22/9, khi cơn mưa trút xuống, những đoàn dài người cùng xe cộ im lìm dầm chân trong mưa.
Trở lại với Dự án metro số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc kéo dài gần 40 km, ai cũng ngóng đợi vì theo một nghĩa nào đó thì nó chính là tầm vóc của một Thủ đô văn minh, hiện đại. Nhưng mừng đấy mà âu lo đấy vì những gì đã diễn ra cho thấy hiện thực hóa những giấc mơ là không hề dễ. Nội thành vẫn kẹt cứng, rồi cầu rồi đường mới vẫn là tốc độ rùa bò.
Đã đến lúc phải kiên quyết với những công trình giao thông quan trọng của Hà Nội, không thể để dây dưa kéo dài mà phải áp thời hạn. Làm nhanh, làm tốt dĩ nhiễn có thưởng; thì làm ẩu, làm chậm cũng phải bị phạt. Nhất là với những vị “tư lệnh công trường”, khi đã nhận nhiệm vụ thì không thể để đến đâu hay đấy, năm này chưa xong thì năm khác, năm khác nữa cũng chẳng chết ai.
Rất mong Dự án metro số 5, tuyến Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc lên tới hơn 65.000 tỷ đồng được chấp thuận. Nhưng trong sâu thẳm những người yêu Hà Nội còn mong hơn là nó phải được làm đúng tiến độ, chứ không phải chỉ là đề ra tiến độ cho đẹp nhằm dễ thông qua nhưng rồi lại tìm cách “câu giờ”, năm này sang năm khác; làm hỏng cả những giấc mơ.