Giải bài toán công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

HOÀNG MAI 16/10/2022 09:05

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII bế mạc hôm 9/10 đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Một trong những trọng tâm ấy là “Đề án công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án).

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Fuhong Precision Component tại Khu công nghiệp Đình Trám, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: TTXVN.

1.Trong hơn 35 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm vừa qua (2011 - 2021), theo đánh giá của Trung ương, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao.

Thống kê cho thấy tăng trưởng đạt bình quân 6,17%/năm, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực với tỉ trọng đóng góp của công nghiệp và dịch vụ vào GDP đạt khoảng 72,7% năm 2020, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chúng ta vẫn chưa thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá. Tăng trưởng kinh tế không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm. Nội lực của nền kinh tế còn yếu; năng lực độc lập, tự chủ thấp, còn phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện.

Sớm nhận ra “điểm nghẽn”, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Trong bối cảnh mới, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam "Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao", đến năm 2045 "Trở thành nước phát triển, thu nhập cao", cần phải "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo".

2.Có thể nói Đề án trình Trung ương tại Hội nghị lần này xem xét, ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là một công việc rất cơ bản, phạm vi rất rộng lớn, tính chất hết sức phức tạp, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước và hiện vẫn còn những vấn đề chưa thật rõ và không ít những ý kiến khác nhau, nhất là trong bối cảnh, tình hình trong nước và thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vậy thì, có thể hiểu chúng ta đã đi tắt, đón đầu trong xác lập mục tiêu phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhưng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vẫn còn chậm. Năng lực tự chủ về công nghệ và sản xuất của nền kinh tế còn thấp. Việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Chậm thì chậm ở đâu? Năng lực tự chủ công nghệ thấp thì thấp chỗ nào?

Bối cảnh chung trong nước và quốc tế đang tác động đến Việt Nam nói chung và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nói riêng là như thế nào; rồi các thành tố chính trong mục tiêu tổng quát của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030 là gì, tầm nhìn đến năm 2045 ra sao; các mục tiêu/chỉ tiêu cụ thể nên như thế nào? Hàng loạt câu hỏi cũng là hàng loạt vấn đề được đặt ra và đòi hỏi phải giải quyết.

3.Tại cuộc làm việc với Bộ Công Thương, liên quan đến Đề án, Ban Chỉ đạo Tổng kết do ông Trần Tuấn Anh-Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng ban, đã nêu quan điểm: Chuyển dịch sang mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với yêu cầu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm.

Theo đó, nội dung cốt lõi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là, tập trung phát triển công nghiệp nền tảng nội dung cốt lõi của mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới: Thúc đẩy tự động hóa, số hóa và thông minh hóa các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội thông qua ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ số và các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện chuyển đổi số, đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bao trùm; nâng cao năng lực tự chủ của nền kinh tế, đặc biệt là tự chủ về công nghệ và sản xuất; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước. Nếu muốn làm được như vậy, cần thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới trên cơ sở xác lập lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra các đột phá phát triển và các cực tăng trưởng kinh tế.

Nhưng, Ban Chỉ đạo Trung ương vào thời điểm tổng kết Nghị quyết đã nhấn mạnh: Không đồng nhất công nghiệp hóa với phát triển công nghiệp, nhưng phát triển công nghiệp trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn giữ vai trò là động lực, then chốt, nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Và, để công nghiệp trở thành động lực phát triển kinh tế, tạo việc làm và góp phần hoàn thành các mục tiêu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đặt ra đến năm 2030 và 2045, cần phải có thể chế cho phát triển công nghiệp tốt hơn.

Theo đó, Việt Nam cần có hệ thống giải pháp, chính sách đồng bộ, thống nhất từ lý luận đến thực tiễn để huy động nguồn lực và phát huy thế mạnh cho phát triển công nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp trên thị trường toàn cầu. Rồi, cần có tư duy mới trong việc hình thành và phát triển các cụm, khu công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp; vai trò, vị trí của các chủ thể tham gia tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và phát triển công nghiệp trong thời gian tới như thế nào; phân tích đa chiều về thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam; các nhiệm vụ, giải pháp lớn cần triển khai để khai thác tốt quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các FTA cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa...

4.Cũng có ý kiến cho rằng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn là việc đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển công nghiệp an toàn, an ninh mạng; phát triển các ngành cơ điện tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, điện tử y sinh…

Nhưng để chuyển đổi số thành công trong các ngành mũi nhọn, ở góc độ ứng dụng, ông Nguyễn Viết Lâm - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần RikkeiSoft bày tỏ, cần có một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực về chuyển đổi số, công nghệ thông tin; phát triển hạ tầng số, cần có một hệ sinh thái ứng dụng.

Còn ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT thì cho rằng, đào tạo nhân lực ở Việt Nam còn yếu, cần phải có chiến lược, phải đưa vào chủ trương, chính sách Đảng, Nhà nước. Thực vậy, đối với nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào các ngành sử dụng lao động giá rẻ và khai thác tài nguyên thiên nhiên, trình độ của người lao động còn hạn chế như ở nước ta thì chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa vừa là cơ hội để thúc đẩy phát triển, đồng thời là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.

Tại phiên thảo luận “Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”- hội thảo nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ ba về Công nghiệp 4.0-Industry 4.0 Summit 2021”, Phó Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An nhận định: Phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi cả nước, đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ phát triển mới; tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao thì còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Những vấn đề nêu trên đều là các vấn đề căn cốt mà chúng ta cần giải quyết thấu đáo trong giai đoạn tới với mục tiêu là để nước ta thành công trong tiến trình này, góp phần phát triển, đưa đất nước lên tầm cao mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước