Dư thừa lao động kỹ năng thấp, thiếu hụt lao động chất lượng cao – đó là thực tế hiện nay của thị trường lao động nước nhà. Bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang rất cần lời giải để đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong bối cảnh hiện nay.
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện nguồn cung lao động cho thị trường lao động không ngừng gia tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng. Lực lượng lao động tăng từ 27,87 triệu người (năm 1986), đến nay là 51,4 triệu người (quý 2 năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 49% (năm 2014), nay là 67% (6 tháng đầu năm 2022).
Cầu lao động cũng tăng về số lượng và cải thiện về chất lượng theo hướng hiện đại và bền vững. Trong giai đoạn 2011-2019, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 1,5-1,6 triệu lượt người, tỷ lệ thất nghiệp thường xuyên duy trì ở mức dưới 3%.
Có thể thấy, bức tranh lao động của nước nhà đã có những cải thiện đáng kể, đặc biệt ở con số tỷ lệ lao động qua đào tạo đã đạt mức 67% (năm 2022) thay vì con số 47% hồi năm 2014.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thừa nhận, trên bình diện cả nước, cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Điều này thể hiện ở số lượng lao động có trình độ, có kỹ năng thấp; chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động; năng lực cạnh tranh quốc gia còn thấp, chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. “Hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề khiến lao động khó có thể có được việc làm bền vững và chuyển dịch linh hoạt trong một thị trường lao động đang biến chuyển không ngừng” - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH nhận định.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cũng cần phải đáp ứng theo. Điều này tất yếu cũng đặt ra những vấn đề mới: Nhiều việc làm, kỹ năng cũ sẽ mất đi hoặc giảm mạnh, xuất hiện nhiều việc làm mới, kỹ năng mới; trí tuệ nhân tạo, robot, máy móc sẽ đóng vai trò ngày một lớn trong sản xuất và thay thế nhiều vị trí việc làm hiện nay. Việt Nam là nước có tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp, đây là một thách thức không nhỏ của nước ta hiện nay.
Nói về chất lượng lao động hiện nay, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cũng cho rằng, nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được với đòi hỏi, xu thế phát triển của thị trường. 2/3 số lao động đang thiếu hụt kỹ năng, kỹ thuật; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo trong các DN chỉ chiếm khoảng 40% trong tổng số lao động và chủ yếu ở trình độ sơ cấp và trung cấp. 55% số DN cho rằng rất khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao. Mặt khác, có nhiều DN quan tâm đến công tác đào tạo, nhưng đa số không có chiến lược phát triển gắn liền với tầm nhìn và mục tiêu cụ thể. “Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN rất lớn, nếu không cải thiện chất lượng, gỡ “nút thắt” lao động DN nhỏ và vừa sẽ rất khó để cạnh tranh, phát triển”- ông Nam nhận định.
Có thể thấy, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn, đó là đòi hỏi cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, và đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước đề ra. Theo đó, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu quan trọng để phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0, đưa nước ta hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Trước yêu cầu này, theo Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các DN cần tuyên truyền, vận động người lao động tham gia học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề do DN tổ chức hoặc phối hợp tổ chức, đồng thời nêu cao tinh thần tự học tập, tự nghiên cứu của người lao động.
Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, trong phát biểu giải trình tại Quốc hội sáng ngày 28/10, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn kết cung cầu lao động, góp phần chuyển dịch nâng cao năng suất lao động.