Giải bài toán thiếu hụt lao động thế nào?

Việt Thắng 11/11/2021 04:59

Chiều 10/11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. Công tác bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em mồ côi do đại dịch. Thực trạng và nguyên nhân người lao động rời TP HCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam trong nhiều đợt. Giải pháp tháo gỡ những khó khăn của thị trường lao động theo diễn biến của dịch…

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đặt vấn đề: Đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm cho nhiều trẻ em tại TP HCM và các tỉnh phía Nam trở thành trẻ mồ côi. Nhiều trẻ em tập trung tại một nơi đã trở thành áp lực lớn cho hệ thống bảo trợ xã hội của các tỉnh, thành phố. Sắp tới Bộ trưởng có giải pháp gì để công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ mồ côi được đảm bảo tốt?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Tại Việt Nam có 2.532 cháu bị mồ côi, trong đó 81 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời gian qua Bộ đã ban hành các chính sách liên quan đến trẻ em nói chung và các đối tượng bảo trợ nói riêng. Trong đó, thay thế Nghị định 136 bằng Nghị định 20 có hiệu lực từ 1/7/2021.

Tham khảo mức hỗ trợ chung của các tổ chức quốc tế thì thấy hiện nay chính sách chung chăm sóc trẻ em của ta tương đối đồng bộ và theo mức thông thường của thế giới từ 1,1-1,8 triệu đồng. Hiện trẻ em dưới 4 tuổi có người chăm sóc đỡ đầu thì ở mức 1,8 triệu đồng. Ngoài ra còn có sự tham gia của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể vận động. Riêng Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam quyết định tất cả các cháu được hỗ trợ 5 triệu đồng, còn các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ được cấp sổ tiết kiệm 20 triệu đồng.

“Hiện các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ đều đang sống với người thân. Trường hợp không có người thân sẽ có người đỡ đầu, trường hợp xấu nhất mới đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội”-ông Dung cho hay.

Về đào tạo nghề, tránh thiếu hụt lao động, đứt gãy chuỗi sản xuất, mà đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) chất vấn, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thời gian qua dịch Covid-19 đã tác động rất mạnh đến lực lượng lao động, thiếu hụt lao động đang diễn ra. Để chống đứt gãy chuỗi cung ứng, về ngắn hạn sẽ tập trung hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh điều chỉnh lao động theo 3 mô hình: Thực hành sản xuất tại doanh nghiệp; vừa học vừa làm tại doanh nghiệp; tập trung tập nghề. Đối với những em học năm thứ 2-3 trở đi thì trả một phần học phí cho các cháu. Còn về dài hạn cần đổi mới đào tạo nghề theo hướng mở linh hoạt, gắn kết chặt với doanh nghiệp theo hướng “doanh nghiệp là trường học thứ 2”. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm cùng với Nhà nước để chăm lo nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Trả lời đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu): Để phục hồi kinh tế Bộ đã có tính toán để tham mưu giải quyết thực trạng thiếu hụt lao động như thế nào? Bộ trưởng Dung nêu 3 kịch bản. “Kịch bản xấu nhất sẽ sử dụng toàn bộ sinh viên tại một số trường nghề để thực hiện 3 mô hình như đã nói ở trên. Trường hợp 2 là tăng cường bồi dưỡng kỹ năng nhanh để có thể sử dụng thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự hoặc công an để cung cấp tăng cường cho tình huống cấp bách và tạm thời đối với một số lĩnh vực, địa bàn, công việc đặc thù cần ngay lực lượng lao động. Còn về dài hạn thì cần đào tạo và đào tạo lại. Doanh nghiệp cùng với nhà nước có trách nhiệm trong việc đào tạo và đào tạo lại”-ông Dung cho biết.

Cũng trong phần trả lời chiều nay, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết Bộ đề xuất Chính phủ điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/1/2022, mức điều chỉnh dự kiến là 7,4%. Tổng kinh phí điều chỉnh lương hưu là 12.650 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải bài toán thiếu hụt lao động thế nào?