Bài toán thu chi ngân sách được đặt ra từ nhiều năm qua. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với báo chí. Theo Bộ trưởng, năm 2018 Bộ Tài chính tập trung thực hiện tái cơ cấu ngân sách, tái cơ cấu chính sách thu để đảm bảo nguồn thu bền vững góp phần phát triển kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường.
PV: Thưa Bộ trưởng, việc tái cơ cấu theo các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW là yêu cầu cấp thiết và đã được quán triệt sâu rộng, đồng thời nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành. Bộ trưởng kỳ vọng gì về kết quả của quá trình tái cơ cấu này trong thời gian tới?
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Trong năm 2017, Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII tiếp tục ban hành các Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Chúng tôi hy vọng rằng, việc triển khai các Nghị quyết này và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 51-NQ/CP ngày 19/6/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, sẽ là nền tảng để đạt được các mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công đã đề ra.
Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại NSNN cũng còn nhiều thách thức, trong đó, về cơ cấu lại thu NSNN: mặc dù có bước phát triển mới song còn khó khăn do kinh tế thế giới chưa thực sự ổn định; trong nước, việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa đáp ứng được yêu cầu; còn nhiều rủi ro chưa lường trước được của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sáp nhập và cổ phần hóa DNNN...
Về cơ cấu lại chi NSNN, phụ thuộc lớn vào khả năng điều chỉnh lại các chính sách chi cho con người, chi các lĩnh vực sự nghiệp; việc triển khai các Nghị quyết số 18, số 19 nêu trên về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Ước đến 31/12/2017, dư nợ công khoảng 61,3%GDP, trong đó nợ chính phủ khoảng 51,6%GDP, nợ được bảo lãnh Chính phủ khoảng 9,1%GDP trong giới hạn quy định. Phải đảm bảo an toàn nợ công là vấn đề cấp thiết, vậy, ngành tài chính có các giải pháp gì, thưa Bộ trưởng?
- Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, từ năm 2018, Bộ Tài chính đã thực hiện xây dựng Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm quốc gia theo hình thức cuốn chiếu, để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, trong đó đã xác định lộ trình giảm dần bội chi NSNN, đảm bảo bình quân giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Trong tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2018, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp thắt chặt chi tiêu công và quản lý nợ công, như: Phân bổ dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) theo đúng quy định, tập trung triển khai thực hiện ngay từ đầu năm, không để phát sinh nợ đọng XDCB mới; Triệt để tiết kiệm hơn nữa chi ngân sách, rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền; Kiên quyết cắt giảm những khoản chi đã có trong dự toán nhưng không cần thiết, chậm triển khai; Chỉ đề xuất ban hành mới chính sách làm tăng chi khi thật sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; Kiểm soát bội chi NSNN ở mức 3,7%GDP..
Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đang gặp những khó khăn nào trong công tác quản lý và điều hành tài chính - ngân sách? Bộ Tài chính sẽ tập trung ưu tiên giải quyết những vấn đề gì trong năm 2018?
- Mặc dù năm 2017 ngành tài chính đã thu ngân sách vượt dự toán nhưng số vượt thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, phí và lệ phí.
Thu từ khu vực FDI và khu vực ngoài quốc doanh tuy có mức tăng trưởng khá so với năm 2016 nhưng vẫn không đạt dự toán chủ yếu do dự toán giao ở mức cao (dự toán tăng 22,9% và 23,8% so với năm 2016).
Thu ngân sách Trung ương vẫn còn khó khăn, hạn chế vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương; một số địa phương thu đạt thấp, khó khăn trong cân đối ngân sách địa phương.
Trong điều kiện dư địa chính sách tài khóa hạn hẹp, trong khi nhu cầu chi đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh lớn; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước những tác động bên ngoài còn hạn chế, áp lực đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN và nợ công, giảm bội chi NSNN để giảm nợ công, đảm bảo an toàn, bền vững.
Tuy nhiên, công tác quản lý thu ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, các hiện tượng chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn, định mức vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị; cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước còn chậm; việc đổi mới cơ chế quản lý, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới quản lý và tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công cần triển khai quyết liệt hơn.
Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; năm đầu tiên thực hiện kế hoạch tài chính trung hạn 2018-2020 nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Chính phủ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhiệm vụ của năm 2018 và các năm còn lại của kế hoạch 2016-2020 của ngành tài chính rất nặng nề.
Với tinh thần phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2018, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, phấn đấu thu NSNN cả năm vượt khoảng 3% dự toán, giữ bội chi NSNN ở mức không quá 3,7% GDP, tăng cường kỷ luật - kỷ cương tài chính, quản lý nợ công an toàn, bền vững. Để đạt được các mục tiêu này, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung: Thứ nhất, về thu NSNN, các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng làm nền tảng tăng thu nội địa.
Đối với các thành phố lớn đã được giao cơ chế tài chính đặc thù, đề nghị triển khai nghiêm túc để nhanh chóng phát triển các địa bàn này thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tăng cường quản lý thu, hoàn thiện chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa các chính sách miễn giảm, giãn thuế, tạo chuyển biến rõ nét trong chống thất thu thông qua triển khai hoá đơn điện tử.
Xử lý và ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, quản lý chặt chẽ việc xác định giá tính thuế, phát hiện, ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế, tăng cường thu từ khu vực kinh tế phi chính thức, quyết tâm hoàn thành vượt dự toán thu NSNN 2018.
Đẩy mạnh công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc hoàn thiện chính sách thu, cơ cấu lại thu NSNN, đảm bảo hiệu quả bền vững theo các mục tiêu đề ra.
Thứ hai, về chi NSNN, khẩn trương phân bổ ngay và hết dự toán 2018 được giao từ đầu năm theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý NSNN.
Tiết kiệm các khoản chi thường xuyên gắn với việc thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả theo Nghị quyết 18 của Trung ương.
Theo các văn bản pháp luật về cơ chế giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công trên cơ sở dự toán NSNN được giao, các Bộ, ngành Trung ương tự cân đối bố trí nguồn tăng lương 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thực hiện nghiêm kỷ luật kỷ cương ngân sách, chủ động điều hành NSNN chặt chẽ. Trường hợp thu NSĐP khó khăn phải chủ động sắp xếp lại các khoản chi, sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính khác để đảm bảo cân đối ngân sách trong phạm vi dự toán Quốc hội đã quyết định.
Khẩn trương tổ chức lại, đổi mới cơ chế quản lý các quỹ ngoài ngân sách.
Thứ ba, về cân đối ngân sách và vay nợ công, đề nghị thực hiện chi tiêu trong khả năng cân đối của NSNN và dự toán được giao, các địa phương chỉ vay trong phạm vi dự toán, phù hợp khả năng trả nợ trong giới hạn quy định.
Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, tạo chuyển biến căn bản trong quản lý và sử dụng nợ công.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!