Tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra gay gắt, nói như một cán bộ xã thì “thông tin về diện tích đất rừng bị lấn chiếm chỉ có giá trị trong 24 giờ là thay đổi”; nhưng các Cty nông, lâm nghiệp chỉ báo cáo về diện tích đất rừng bị tranh chấp/lấn chiếm được “giảm đến 20%” so với thực tiễn vì “sợ bị khiển trách”.
Đất lâm trường chưa được quản lý, sử dụng hiệu quả
trong đó có nguyên nhân tranh chấp với người dân.
Ngày 8/9, tại Hội thảo “Thực trạng quản lý và sử dụng đất đai tại nông lâm trường quốc doanh - những bất cập và giải pháp” do Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên minh đất - rừng, Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của QH, các chuyên gia đã chỉ ra một thực tế: đất tại các nông, lâm trường đang bị tranh chấp.
Hiện cả nước có 319 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp đã được sắp xếp lại, quản lý và sử dụng gần 2,8 triệu ha đất, trong đó có 116 đơn vị do Trung ương quản lý, 203 đơn vị do địa phương quản lý.
Một trong số vấn đề vẫn đang tồn tại cho đến nay nếu không được giải quyết dứt điểm và hợp lý có thể sẽ trở thành rào cản, thậm chí phá vỡ những nỗ lực tiếp tục sắp xếp đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tranh chấp tại các nông lâm trường; đó là mâu thuẫn, tranh chấp đất rừng giữa người dân địa phương với các nông lâm trường quốc doanh, ảnh hưởng đến ổn định xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái vùng miền núi, vùng biên giới.
Ông Giàng A Chu- Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH nêu lên một thực trạng: Người dân đang thiếu đất sản xuất, phải nhanh chóng thu hồi đất nông, lâm trường hoạt động không hiệu quả để giao cho dân. Tuy nhiên, việc thu hồi rất chậm trễ.
Trong khi đó, vì thiếu căn cứ pháp lý, hồ sơ địa chính cũng như cách thức thu hồi đất rừng đã giao khoán chưa phù hợp với lợi ích của các bên liên quan nên có tình trạng thu hồi đất rồi nhưng không giao được cho ai nên phải hợp lý hóa cho những người đang lấn chiếm.
Cùng với đó, việc thiếu cơ chế, chính sách thanh lý tài sản trên đất rừng đã khoán cũng khiến việc thu hồi đất để giao cho địa phương trở nên bế tắc.
Khảo sát cho thấy, thực đất đai mới được thu hồi và bàn giao giữa công ty lâm nghiệp và chính quyền địa phương cũng mới chỉ thực hiện trên giấy tờ, sổ sách, chưa rà soát trên thực địa; trong khi đó UBND cấp xã không có kinh phí xây dựng phương án giao đất, giao rừng cho các đối tượng nên đất bị bỏ hoang hoá, rừng bị chặt phá, dân lấn chiếm, xâm canh...
Tình trạng lấn chiếm đất rừng diễn ra gay gắt, nói như một cán bộ xã thì “thông tin về diện tích đất rừng bị lấn chiếm chỉ có giá trị trong 24 giờ là thay đổi”; nhưng các Cty nông, lâm nghiệp chỉ báo cáo về diện tích đất rừng bị tranh chấp/lấn chiếm được “giảm đến 20%” so với thực tiễn, vì “sợ bị khiển trách” nên việc giải quyết không thể dứt điểm. Thực tế, người dân không ngừng phá rừng lấy đất sản xuất sau khi “vay nóng” bằng chính diện tích đất rừng được giao để lấy vốn sản xuất.
Bên cạnh đó, việc chưa xác định được ranh giới đất giữa Cty nông, lâm nghiệp và người dân nhưng đã áp dụng hình thức quản lý hành chính là giao sổ đỏ đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ, xung đột xã hội. Do đó, để giải quyết được các mâu thuẫn về tranh chấp, lấn chiếm đất đai thì nông, lâm trường, Cty nông, lâm nghiệp, chính quyền địa phương và người dân liên quan phải thực sự vào cuộc và cần có sự tham gia của cá nhân/tổ chức đóng vai trò hòa giải.
Đặc biệt, cần có cơ chế để nông, lâm trường quốc doanh hợp tác với người dân và các bên liên quan tham gia rà soát, đánh giá đất đai trước khi xây dựng đề án về đổi mới nông, lâm trường để tránh tình trạng “tự rà soát, tự soi gương”.