'Giải cứu' bến xe miền Đông mới

Đoàn Xá 27/09/2022 06:29

TP HCM đang gấp rút chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để di dời gần 80 tuyến xe khách từ khu vực bến cũ ra bến mới. Mặc dù đã thông báo từ khá lâu nhưng để người dân, các hãng xe hưởng ứng, thay đổi thói quen lại là bài toán nan giải.

Bến xe Miền Đông mới vắng khách sau nhiều năm hoạt động.

Từ khi khai trương (10/2020) các tuyến xe khách từ TP HCM đi các tỉnh miền Bắc, miền Trung với cự ly trên 1.000km (khoảng 40 tuyến) đã hoạt động ở bến xe Miền Đông mới. Dù vậy số lượng hành khách sử dụng bến mới hầu như rất ít, chỉ vài hành khách/chuyến. Sau thời gian dịch Covid-19, lượng hành khách sử dụng bến mới vẫn không tăng nhiều. Hầu hết các nhà xe đều bán vé, đón khách ở bến cũ sau đó di chuyển ra bến mới để làm thủ tục xuất bến.

Theo thống kê, bắt đầu từ ngày 11/10, sẽ có khoảng 120 tuyến xe khách (đi các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau) bắt buộc phải sử dụng bến mới. Trong khi số tuyến được sử dụng bến cũ chỉ còn khoảng 60, hầu hết là chặng đường ngắn. Tuy nhiên, câu hỏi làm sao để người dân, chủ xe sử dụng bến mới và không phát sinh tình trạng xe dù bến cóc dọc tuyến đường từ bến cũ ra bến mới đang là vấn đề đau đầu.

Không khó để biết nguyên nhân của tình trạng trên, nhưng giải quyết lại không hề đơn giản. Ngoài việc nằm ở vị trí xa trung tâm, bến xe miền Đông mới cũng thiếu hệ thống kết nối cần thiết. Đặc biệt, các chủ xe phải cạnh tranh với những tuyến xe dù chạy dọc quốc lộ 13, quốc lộ 1A hay một số tuyến đường từ trung tâm TP HCM ra tới bến cũ. Các tuyến xe dù này rất tiện lợi, có thể đón khách ở bất kỳ địa điểm nào trên trục từ trung tâm TP HCM ra bến xe mới.

Việc mạnh tay xóa bỏ các địa điểm bắt khách (bến cóc) dù đã thực hiện nhiều năm nhưng tình trạng này vẫn còn khá nhiều. Những quán cà phê cóc, cây xăng hay thậm chí góc đường đều có thể biến thành một bến xe. Việc xóa bỏ tình trạng này còn đến từ ý thức của chính hành khách, bởi khi người dân không vào bến mua vé, đón xe thì tình trạng trên còn tiếp diễn.

Để giải quyết tình trạng trên, Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết, song song với việc di dời các tuyến xe khách, Sở sẽ tăng cường các tuyến xe buýt để kết nối bến cũ và bến mới. Bên cạnh đó, tăng cường thêm nhiều tuyến buýt từ bến mới đi các bến xe An Sương, miền Tây, ngã tư Ga… để giúp hành khách có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các tuyến xe buýt hiện nay đang rất vắng khách. Việc xe buýt không thu hút được hành khách, đang hoạt động kém hiệu quả, vậy có “giải cứu” nổi bến xe miền Đông mới hay không vẫn là băn khoăn của nhiều người.

Ngoài ra, một phương án khác cũng có thể giúp tăng cường hiệu quả hoạt động của bến xe miền Đông mới là tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Với nhà ga metro đi qua cửa bến xe, nhiều người kỳ vọng lượng hành khách sẽ gia tăng đáng kể.

Có thể nói, với quy mô là bến xe lớn nhất cả nước cùng tổng nguồn vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, việc khai thác hiệu quả dự án bến xe miền Đông mới là bài toán nan giải cần sự kết hợp của cơ quan quản lý, hãng xe và cả người dân.

Bến xe Miền Đông mới (Thành phố Thủ Đức) là bến xe lớn nhất nước có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 khoảng 740 tỷ đồng. Trước đó, từ tháng 10/2020, bến xe Miền Đông mới được đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 22 tuyến từ Quảng Trị trở ra Bắc được di dời từ bến xe cũ qua. Theo Sở GTVT TP HCM, giai đoạn 3, hơn 60 tuyến còn lại ở bến cũ sẽ được dời qua khi bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định, kết nối đồng bộ giao thông xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Giải cứu' bến xe miền Đông mới