Kể từ khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hezbollah diễn ra, nhiều người lao động nước ngoài đã mắc kẹt ở Lebanon trong tình cảnh không có giấy tờ tùy thân và chờ đợi để được phê duyệt hồi hương.
Tình huống bất khả kháng
Cici Brinces – một người Philippines đến Lebanon với tư cách là một người giúp việc cách đây 14 năm, kết hôn với một người Palestine, có một con trai, sống sót sau căn bệnh bạch cầu và đang xây dựng một cuộc sống mới. Tuy nhiên, khi bom bắt đầu rơi xuống Thủ đô Beirut của Lebanon, cô chỉ muốn trở về quê nhà.
"Tôi cảm thấy ngày tận thế đã gần kề, tệ hơn cả khi tôi bị ung thư" – Brinces, người từng sống trên đường phố trong nhiều ngày trước khi chuyển đến một nơi trú ẩn cùng cậu con trai 10 tuổi của mình, cho biết.
Trong khi đó, Md Al Mamun yêu công việc mà anh đã nhận được tại một tiệm bánh ở Beirut cách đây 3 tháng, nhưng giờ anh cũng muốn về nhà ở Bangladesh. "Tôi thực sự thích nơi này, mức lương và môi trường tốt hơn rất nhiều, nhưng kể từ khi các vụ đánh bom bắt đầu, tôi rất nhớ nhà" - anh Mamun nói.
Cuộc xung đột kéo dài gần 1 năm giữa Israel và lực lượng Hezbollah đã trở nên căng thẳng hơn trong những tuần gần đây, khi Israel ném bom vào miền nam Lebanon, vùng ngoại ô phía Nam Beirut và Thung lũng Bekaa, giết chết nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của Hezbollah và đưa quân vào miền nam Lebanon.
Chính quyền Lebanon cho biết, ít nhất 1,2 triệu người Lebanon đã phải di dời và hơn 2.300 người đã thiệt mạng kể từ tháng 10 năm ngoái. Hầu hết trong số 900 nơi trú ẩn của đất nước đã kín chỗ và mọi người hiện đang ngủ ngoài trời hoặc trong các công viên ở Beirut. Trong số đó có nhiều lao động nước ngoài.
Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho biết, Lebanon là nơi tiếp nhận hơn 177.000 lao động nhập cư, chủ yếu đến từ châu Phi và châu Á. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trích dẫn thông tin từ Bộ Lao động Lebanon cho biết, con số này vào khoảng 250.000 người. Họ chủ yếu là những phụ nữ làm việc trong lĩnh vực gia đình, khách sạn và được tuyển dụng theo hệ thống kafala - một mô hình tài trợ phổ biến ở các quốc gia vùng Vịnh, nơi người sử dụng lao động kiểm soát tình trạng pháp lý của bất kỳ người di cư nào làm việc cho họ.
Nhà hoạt động Safina Virani có trụ sở tại Uganda - người đang gây quỹ trực tuyến để cung cấp thực phẩm và nơi trú ẩn cho những người di cư châu Phi cho biết, nhiều phụ nữ đã bị người sử dụng lao động - những người đã chạy trốn khi các cuộc tấn công của Israel bắt đầu cắt đứt liên hệ.
"Nhiều lao động nước ngoài cho biết, người sử dụng lao động đã tịch thu hộ chiếu của họ ngay tại sân bay khi họ đến. Sau đó, khi xung đột diễn ra, họ bị chủ bỏ rơi mà không được trả lại giấy tờ. Hầu hết họ không có tài khoản ngân hàng hoặc giấy tờ có thể xác định danh tính chính thức. Điều này khiến người thân ở quê nhà khó có thể gửi tiền” – bà Virani nói với Quỹ Thomson Reuters từ thủ đô Kampala của Uganda.
Tích cực hoạt động hồi hương
Hiện có hơn 11.000 lao động Philippines có giấy tờ hợp lệ tại Lebanon. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ra lệnh cho chính phủ chuẩn bị cho việc hồi hương an toàn và kịp thời cho công dân của mình. Và đây là điều mà nhiều người như chị Brinces mong muốn.
Khoảng 500 người Philippines đã được hồi hương kể từ năm ngoái. Tính đến ngày 8/10, Đại sứ quán Philippines tại Beirut đã nhận được hơn 1.700 đơn xin hồi hương. Đại sứ quán đã lập các nơi trú ẩn tạm thời cho công dân Philippines.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Bộ Ngoại giao Kenya, trong số nhiều công nhân châu Phi tại Lebanon, có khoảng 26.000 người Kenya, nhiều người là kết quả trực tiếp của thỏa thuận giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Quốc gia Kenya và các công ty Lebanon.
Chính phủ Kenya yêu cầu người Kenya đăng ký với Đại sứ quán tại Kuwait để được sơ tán miễn phí và đã phân bổ 100 triệu shilling Kenya (778.210 đô la Mỹ) cho việc sơ tán. Bộ trưởng Nội các Musalia Mudavadi cho biết, gần 1.500 người đã đăng ký.
Chính phủ Kenya cũng cảnh báo mọi người cảnh giác với chiêu trò lừa đảo cung cấp dịch vụ sơ tán giả với mức phí cắt cổ. "Chúng tôi muốn cảnh báo tất cả người Kenya hiện đang ở Lebanon về những kẻ lừa đảo lợi dụng những cá nhân dễ bị tổn thương. Những cá nhân này đang tính phí dịch vụ sơ tán bất hợp pháp" - Bộ Ngoại giao và Di cư Kenya cho biết trong một tuyên bố.
Khoảng 150.000 người Bangladesh cũng đang ở Lebanon, làm việc tại các trạm xăng, siêu thị, gara và làm công việc dọn dẹp. Người Bangladesh thường trả khoảng 500.000 taka (4.200 USD) cho các công ty môi giới di cư để có được việc làm tại Lebanon.
Các viên chức tại Đại sứ quán Bangladesh ở Beirut đang cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và tư vấn, đồng thời bắt đầu thu thập thông tin về những người muốn trở về nhà. Ông Md Touhid Hossain - cố vấn đối ngoại cho chính phủ lâm thời tại Dhaka - cho biết, Bangladesh đã yêu cầu IOM sắp xếp một chuyến bay thuê bao để sơ tán người Bangladesh.
Anh Siddikor Rahman – một người Bangladesh làm công việc giám sát tại một nhà máy ở Lebanon trong khoảng 10 năm cho biết, những người có khả năng giúp đỡ như anh đang hỗ trợ đồng bào của mình, cho họ tiền mặt, mua thức ăn hoặc cung cấp nơi trú ẩn. Nhưng trái tim anh đang chùng xuống từng ngày và điều duy nhất anh hy vọng là được về nhà.
Dù nguy hiểm nhưng rời khỏi Lebanon không phải là lựa chọn dễ dàng đối với tất cả mọi người. Cô Ritchel Bagsican – một người Philippines có 9 năm làm việc ở Lebanon - cho biết, cô không thể ngủ được vì các cuộc không kích. Nhưng cô vẫn đang phân vân không biết có nên về nhà hay không, bởi bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế và xung đột, cơ hội việc làm ở Lebanon vẫn tốt hơn ở quê nhà.