Ngày 1/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo và kêu gọi thế giới khẩn cấp ứng phó với “bệnh X” bí ẩn, được cho là có thể gây chết chóc thậm chí gấp 20 lần đại dịch Covid-19.
Bệnh X - thuật ngữ được WHO sử dụng từ năm 2018 để chỉ một loại bệnh lạ nào đó, nguy hiểm trong tương lai, có thể gây ra một đại dịch toàn cầu.
Ở thời điểm cách đây hơn 6 năm, WHO đã đưa “bệnh X” vào danh sách các loại bệnh cần được đầu tư nghiên cứu, phát triển phương pháp ứng phó. Còn hiện nay, theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, thì Covid-19 chính là “bệnh X” gần nhất xảy ra.
Tuy nhiên, WHO vẫn không dự đoán được “bệnh X” kế tiếp là bệnh gì và khi nào nó xuất hiện. Theo chuyên gia WHO, nhóm virus Corona được xem là có tiềm năng sản sinh mầm bệnh mới gây ra đại dịch.
Trước khi virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) xuất hiện và gây đại dịch Covid-19, các dòng virus Corona khác đã tạo ra những dịch bệnh nguy hiểm, là Hazội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Gần đây, một dòng virus cúm gà đang lây lan nhiều nơi và lan từ chim sang thú có vú, cũng được coi là tiềm ẩn bệnh X -theo tạp chí New Scientist.
Những mầm bệnh như Ebola, vốn gây ra xuất huyết nặng, hoặc virus Zika, khiến trẻ sinh ra bị teo nhỏ đầu, cũng có tiềm năng trở thành “bệnh X” mới.
Theo TS Amesh Adalja (Trung tâm Johns Hopkins về an ninh y tế, Mỹ), thì một mầm bệnh chết chóc như “bệnh X” có thể đã lây lan trong các loài động vật và chỉ chờ cơ hội lây sang con người. Tuy nhiên, thời kỳ Covid-19 vô cùng khắc nghiệt nhưng cũng đã thúc đẩy thế giới phát triển các loại vaccine, tái điều chỉnh nhanh chóng nhằm đối phó mầm bệnh mới.
Tổng Giám đốc WHO cho hay, để đối phó với một loại bệnh mới trong tương lai (với khái niệm chung là “bệnh X”) thì rất cần sự phối hợp của tất cả các quốc gia.
Trong khi đó, ông Michel Demare - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Astra Zeneca, cảnh báo rằng vấn đề không phải là chi tiền nhiều hơn mà là chi tiền thông minh hơn. Trong đó, việc phát triển vaccine chỉ có thể tốt hơn nếu có một “thư viện quốc tế” tập trung những kết quả nghiên cứu.
Dẫn phát biểu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus rằng “bệnh X” có thể gây chết chóc gấp 20 lần Covid-19, ông Demare kêu gọi các nước ký kết hiệp ước về đối phó đại dịch và hy vọng các nước đạt thỏa thuận trước tháng 5/2024 để đối phó với “kẻ thù chung”.
“Chúng ta phải chuẩn bị đối phó với một đại dịch khác sau Covid-19. Thế giới đã có nhiều người tử vong vì Covid-19 do quá chậm để kiểm soát dịch bệnh. Con số hơn 702 triệu người mắc và 6,97 triệu người tử vong vì Covid-19 thật khủng khiếp”- TS Demare chia sẻ trên trang Worldometer.
Tại thời điểm này, nhiều quốc gia đã vào cuộc với mục đích giải mã “bệnh X”. Đáng chú ý, các nhà khoa học Vương quốc Anh cho biết đã chuẩn bị vaccine đối phó. Ngày 7/8/2023, dù Covid-19 mới qua và "bệnh X" vẫn chưa xuất hiện, nhưng các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người đã được tiến hành tại phòng thí nghiệm của Đại học Tours.
Cùng đó, Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cũng bắt đầu những tiến hành tại khu phức hợp thí nghiệm Porton Down ở Wiltshire, trong sự canh gác hết sức cẩn mật.
Tại Porto Down, người ta đã lập ra Trung tâm Phát triển và Thẩm định vaccine, trên cơ sở phòng thí nghiệm từ đại dịch Covid-19. Hơn 200 nhà khoa học được huy động điều chế các loại vaccine nhằm đối phó với những chủng virus từ động vật có khả năng lây nhiễm sang người.
"Điều mà chúng tôi đang nỗ lực là nhằm đảm bảo sự sẵn sàng trong trường hợp thế giới xuất hiện "bệnh X", một dạng mầm bệnh gây đại dịch mới” - Sky News dẫn lời giáo sư Jenny Harries của UKHSA.
Bà Harries hy vọng con người có thể ngăn chặn đại dịch kế tiếp bùng nổ vì những kết quả nghiên cứu cho thấy rất khả quan.
“Đội ngũ ở Porton Down đã điều chế vaccinne ngừa sốt xuất huyết Crimean - Congo, loại virus truyền qua bọ ve mà xác suất tử vong lên đến 30%. Cùng đó, các mầm bệnh khác đang nghiên cứu tại đây bao gồm cúm gia cầm, đậu mùa khỉ và hantavirus, họ virus lây lan thông qua chuột” - bà Harries cho biết.
Ngày 1/2, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ (CDC) tái khẳng định biến thể JN.1 chiếm 85,7% số ca Covid-19 mới. Tuy nhiên, CDC cho rằng dữ liệu từ các bệnh viện cho thấy biến thể JN.1 gây Covid-19 không khiến bệnh trạng trở nặng hơn. Bác sĩ Eduardo Azziz Baumgartner (thuộc CDC) cho biết, biến thể "hậu duệ" của Omicron này có tốc độ lây lan khá nhanh nhưng độc lực thấp. Bác bỏ thông tin biến thể JN.1 có thể gây ra “bệnh X”, tuy nhiên CDC cũng cảnh báo điều quan trọng phải nhớ rằng cách virus ảnh hưởng đến mỗi cá nhân là khác nhau. Một người có thể tử vong vì virus mà đối với đa số mọi người lại nhẹ hơn.