PGS.TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành đã chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết về việc khai quật và giải mã bí ẩn của kiến trúc cung điện Hoàng cung Thăng Long xưa.
Bài phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập (28/4/2011-28/4/2021), Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam).
PV: Thưa Viện trưởng, một trong những thành tựu đã tạo nên uy tín và thương hiệu của cơ quan là dự án Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên đến nay những nghiên cứu vẫn chưa thể giới thiệu đến công chúng, nguyên nhân do đâu?
PGS.TS Bùi Minh Trí: Một trong những nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu Kinh thành trong những năm qua đó là dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long”. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội.
Chúng ta biết rằng, những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất tại 18 Hoàng Diệu (năm 2002-2004) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (năm 2008-2009), đã tìm thấy một quần thể minh chứng xác thực lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long hoa lệ dưới vương triều Lý. Đây được xem là phát hiện quan trọng nhất của khảo cổ học Việt Nam từ trước tới nay.
Tuy nhiên, dù khảo cổ học đã minh chứng thuyết phục rằng, các dấu tích nền móng kiến trúc cung điện thời Lý dưới lòng đất khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhưng hình thái kiến trúc cung điện thời Lý vẫn là điều bí ẩn. Bởi lẽ, kiến trúc cung điện thời Lý thuộc loại kiến trúc cổ đã bị thất truyền. Do đó, việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc là vô cùng khó khăn.
Sau 10 năm kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hoàng thành Thăng Long vẫn chưa thể giới thiệu đến công chúng về hình ảnh và vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có những phương pháp gì để sớm “giải mã” được những bị ẩn về kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa?
-Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức thực hiện nhiều phương pháp nghiên cứu. Đặc biệt, trong những năm 2011-2014, khi tổ chức tái điều tra, khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, đơn vị đã phát hiện thêm được rất nhiều vấn đề khoa học mới, làm sáng rõ hơn tính chất, niên đại và chức năng các loại hình di tích kiến trúc đã xuất lộ từ năm 2004.
Trên sơ sở tư liệu đó, Viện đã thiết lập hệ thống bản vẽ tổng thể mặt bằng kiến trúc cung điện thời Lý rất có giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hình thái kiến trúc. Từ đó, công cuộc nghiên cứu giải mã về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý bắt đầu được triển khai.
Sau nhiều năm cần mẫn, kiên trì, thầm lặng nghiên cứu và dựa trên bốn nguồn tư liệu gồm khảo cổ học, mô hình kiến trúc, tư liệu minh văn và tư liệu điều tra, nghiên cứu so sánh với các cung điện cổ ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Viện đã từng bước giải mã về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý.
Phát hiện quan trọng và là chìa khóa để giải mã thành công về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, đó là kiến trúc đấu củng. Đây là phát hiện có ý nghĩa rất lớn, cung cấp cơ sở khoa học quan trọng trong việc nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện thời Lý.
Với phát hiện khảo cổ, Viện đã có hình thức nào để tái hiện hình ảnh kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long đến gần hơn với công chúng?
-Từ những thành quả đã đạt được, Viện đã tiến hành nghiên cứu phục dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý và đã giới thiệu tại khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội năm 2016. Trưng bày cũng được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá rất cao, cho đây là một bảo tàng xuất sắc và hiệu quả; là bảo tàng nằm trong tốp đầu bảng hiện nay của châu Á và của thế giới, rất đáng tự hào; đây không chỉ là hình mẫu về bảo tàng khảo cổ học ở nước ta mà ở cả các nước tiên tiến trên thế giới; dự án xứng đáng với kỳ vọng không chỉ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mà cả của Chính phủ Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn ngàn năm được tái hiện, giúp cho chúng ta hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa. Từ sự thành công này, Viện tiếp tục nghiên cứu phục dựng tổng thể hình thái kiến trúc của khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Từ đó, bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý được tái hiện trên nền các vết tích khảo cổ học dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội. 64 công trình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long đã được nghiên cứu phục dựng, gồm 38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác cùng hệ thống tường bao, đường đi và cổng ra vào công trình.
Đây là một quần thể kiến trúc cung điện, lầu gác cực kỳ đặc sắc, được quy hoạch xây dựng rất bài bản, khoa học vào thời kỳ vàng son của vương triều Lý. Từ đây, chúng ta có thể tự hào nói rằng, Hoàng cung Thăng Long thời Lý vốn từng được xây dựng rất nguy nga, tráng lệ và có nhiều công trình kiến trúc gỗ to lớn, hoành tráng, không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á.
Trong nhiều năm tiếp theo, Viện Nghiên cứu Kinh thành đẩy mạnh nghiên cứu so sánh, giải mã sâu hơn về chức năng, kỹ thuật lợp của các loại ngói khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Trên cơ sở đó tiến hành phục dựng hình thái bộ mái của kiến trúc thời Đại La, thời Đinh – Tiền Lê, thời Trần, đặc biệt là hình thái bộ mái kiến trúc Điện Kính Thiên, tòa Chính điện trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ, thế kỷ 15.
Tuy đây mới là thành quả nghiên cứu ban đầu trong chặng đường dài khoa học, nhưng được xem là một bước tiến rất dài trong nghiên cứu khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 18 năm khai quật. Những thành quả nghiên cứu này đã và đang góp phần quan trọng trong việc giải mã những bí ẩn về Hoàng cung Thăng Long, đưa giá trị nghiên cứu khoa học đến gần hơn với công chúng, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử ngàn năm văn hiến của Kinh đô Thăng Long hoa lệ.
Trân trọng cảm ơn ông!