Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo về các loại ma túy mới xuất hiện có khả năng gây nghiện và tạo ảo giác mạnh, đầu độc người dùng song nhận thức của một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ về hậu quả, tác hại của việc sử dụng chất gây nghiện còn mơ hồ nên đã vô tình tham gia mua bán hoặc tiếp tay cho việc mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy, gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Ma túy trà trộn dưới dạng thực phẩm, đồ uống
Hiện ngày càng xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp có mẫu mã, hình thức, thành phần chất ma túy, chất gây nghiện, chất hướng thần mới. Đáng lo ngại, ma túy được pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt, thực chất đó là ma túy pha trộn với thực phẩm và đồ uống.
Thượng tá Phạm Quỳnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội cho biết, qua công tác nắm tình hình, đấu tranh với tội phạm ma túy cho thấy, các đối tượng thường sử dụng một số thủ đoạn như: nghiền nhỏ ma túy (thuốc lắc) rồi trộn với bột cà phê hoặc pha vào nước ngọt, soda... đóng thành túi, chai thành phẩm để bán; chế biến cần sa thành các thành phẩm khác, làm bánh có chứa cần sa… rao bán trên mạng xã hội, hướng tới đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Ngoài ra, các đối tượng sản xuất một số loại ma túy có thành phần chất gây nghiện, chất hướng thần dưới dạng đồ uống hoặc bột thực phẩm như “nước vui”, nước xoài, nước dâu (còn có tên gọi là “Crispy Fruit”…).
Kết quả giám định các chất trên có chứa chất Nimetazepam được quy định tại Danh mục III Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất. Đây là chất thường có trong thuốc điều trị tâm thần, điều trị chứng rối loạn lo âu và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ trong trường hợp đặc biệt; trên thị trường thuốc tân dược, chất này tồn tại dưới dạng tên thuốc Happy 5, Erimin hay Lavol.
Khuyến cáo của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội cho thấy mỗi loại ma túy có tác động khác nhau đến tâm, sinh lý của người sử dụng, việc sử dụng thực phẩm chứa chất ma túy cũng gây hại lên cơ thể người sử dụng tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp. Nguy hiểm hơn là sẽ gây ra tình trạng “nghiện” ở người sử dụng, tức là lệ thuộc hoàn toàn vào chất ma túy, sử dụng một thời gian sẽ dẫn đến tình trạng “rối loạn thần kinh” thậm chí có thể gây nguy cơ tử vong nếu sử dụng quá mức độ chịu đựng của cơ thể (hay còn gọi là “sốc ma túy”).
Hệ lụy đáng ngại
Về hệ lụy, theo Thiếu tá Ngô Quốc Khánh - cán bộ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP Hà Nội, do ảnh hưởng các chất ma túy mà người sử dụng không làm chủ được hành vi của mình dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật. Khi đã lệ thuộc ma túy, nhu cầu về tiền bạc đối với người nghiện rất lớn. Trong khi đó khả năng về tài chính của bản thân họ và gia đình không thể đáp ứng, lúc đó họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền mua ma túy thỏa mãn cơn nghiện. Điều này được minh chứng qua tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở nước ta thời gian qua, số đối tượng nghiện ma túy phạm tội trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, cướp, cưỡng đoạt... chiếm tỷ lệ khá cao.
Đối với môi trường học đường, nếu như học sinh, sinh viên sử dụng ma túy (dưới bất cứ hình thức nào kể cả thông qua các loại thực phẩm có chứa ma túy) sẽ dẫn đến việc không còn hứng thú với việc rèn luyện, tiếp thu các kiến thức cần thiết mà có xu hướng muốn hưởng thụ các tệ nạn xã hội. Không chỉ vậy, các đối tượng này sẽ lôi kéo thêm những bạn học của mình tham gia vào tệ nạn ma túy, thậm chí hoạt động phạm tội về ma túy.
“Học sinh sử dụng ma túy dẫn đến tình trạng ảo giác, loạn thần sẽ có nguy cơ tự thương, tự sát hoặc gây nguy hiểm cho bạn học, gây mất an toàn học đường và dư luận xấu trong xã hội” - Thiếu tá Ngô Quốc Khánh cho biết.
Phòng ngừa thế nào?
Thượng tá Phạm Quỳnh khẳng định, để phòng ngừa việc học sinh sử dụng các loại thực phẩm có chứa chất ma túy, cha mẹ, học sinh và nhà trường cần cập nhật thông tin về những thủ đoạn mới của tội phạm ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hoạt động truyền thông của cơ quan chức năng, từ đó nâng cao kiến thức và kỹ năng cảnh giác trước sự lôi kéo của các đối tượng.
Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với các phòng nghiệp vụ thuộc Công an TP Hà Nội cùng các đơn vị chức năng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp về đặc điểm của một số loại ma túy mới, các loại ma túy núp bóng thực phẩm, tác hại cũng như kỹ năng phòng tránh cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trường phổ thông trên địa bàn.
Trong công tác tuyên truyền trực tiếp, bên cạnh việc cử báo cáo viên đến từng trường học tuyên truyền về tác hại của các chất ma túy, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã chủ động phối hợp, tư vấn nội dung đến các trường phổ thông, xây dựng các kịch bản sân khấu hóa về tệ nạn ma túy dưới hình thức tiểu phẩm ngắn. Qua đó đưa các nội dung về thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng, hình thức của các loại ma túy mới, ma túy núp bóng thực phẩm đến người nghe một cách sinh động và dễ tiếp thu nhất.
Thời gian tới, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy sẽ xây dựng bản tin bằng hình ảnh cảnh báo các chất ma túy mới, ma túy núp bóng thực phẩm, thuốc lá điện tử, chú thích đầy đủ các nội dung và đặc điểm, tác hại của từng chất, thậm chí quy định về xử lý... Từ đó đề xuất lãnh đạo Công an Hà Nội tham mưu UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành phối hợp tổ chức in ấn, đăng tải công khai tại các trường học, các khu chung cư dưới dạng bản tin và tờ rơi cấp phát tại các địa bàn trên toàn thành phố.
Theo Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thời gian gần đây đã phát hiện nhiều chất ma túy tổng hợp mới, là các chất gây ảo giác mạnh. Ma túy tổng hợp không lấy từ tự nhiên mà là ma túy nhân tạo, hóa chất. Đối tượng khách hàng nhắm tới là những người trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Khi sử dụng các sản phẩm trà trộn ma tuý, nhiều em có biểu hiện ngộ độc như: Hoa mắt, chóng mặt nhức đầu thậm chí bị ngất.
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai: Sử dụng thực phẩm có ma túy có thể gặp các ngộ độc tức thời như: Thần kinh bị lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần; loạn nhịp tim, tăng huyết áp, tụt huyết áp, suy hô hấp... Thậm chí, có thể gây tử vong. Sử dụng thực phẩm có ma túy lâu dài sẽ gây nghiện. Nghiện ma túy tổng hợp sẽ gặp nhiều chứng bệnh mạn tính: Suy giảm miễn dịch, mắc bệnh phổi tắc nghẽn, bệnh mạch vành, hội chứng nôn nặng dai dẳng…Đặc biệt với người trẻ, nghiện ma túy làm giảm khả năng nhận thức và học hành, giảm quá trình hồi phục trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm chức năng điều hành (giảm kiểm soát nhận thức và hành vi). Người nghiện ma túy tổng hợp cũng dễ bị tai nạn giao thông do giảm khả năng phản ứng, giảm tập trung).