Ngày hôm nay (9/5), trên bầu trời ở một số địa phương thuộc miền Trung xuất hiện quầng sáng xung quanh mặt trời có màu sắc tương tự như cầu vồng được cư dân mạng và một số phương tiện truyền thông đăng tải.
Quầng sáng quanh mặt trời ghi lại ở Huế vào ngày 9/5.
Chuyên gia Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) cho biết, đây là hiện tượng quầng 22 độ.
Cụ thể, hiện tượng quang học này xảy ra trong khí quyển Trái Đất ở khu vực lân cận đĩa sáng Mặt Trời hoặc Mặt Trăng khi thời tiết rất khô, ít hơi nước, trên tầng cao của khí quyển chỉ có mật độ thấp các hạt băng (nước đá). Ánh sáng từ Mặt Trời hoặc Mặt Trăng (do Mặt Trời chiếu sáng) khi đi vào khí quyển xuyên qua các tinh thể có dạng lục giác này bị khúc xạ, gây nên hiện tượng giống như khi đi qua một thấu kính phân kì, tạo thành một vòng sáng trắng có bán kính khoảng 22 độ (độ rộng đường kính 44 độ) quanh đĩa sáng.
Hiện tượng này thường được quan sát phổ biến ở Mặt Trăng và ít gặp hơn ở Mặt Trời.
Vẫn theo chuyên gia Sơn, đối với quầng của Mặt Trăng, người Việt có câu “Trăng quầng trời hạn, Trăng tán trời mưa” là bởi nó xảy ra vào thời điểm không khí ít hơi nước, khó mưa. Trong đó, quầng trong câu nói này là chỉ quầng 22 độ của Mặt Trăng. Còn ở Mặt Trời, tuy ít xuất hiện hơn nhưng nó cũng không phải quá hiếm.
Anh Sơn cũng khẳng định đây không phải là điềm báo hay dấu hiệu của bất kỳ sự kiện nào.