Nếu thực sự muốn hiểu những điều mà các chính trị gia nổi tiếng thế giới muốn đề cập tới, hãy quên đi những gì họ nói mà nhìn vào những bức tranh xuất hiện đằng sau họ ở mỗi buổi họp báo hay cuộc họp thượng đỉnh; hoặc khi họ dừng lại ở hành lang một cách chủ ý để trả lời phỏng vấn.
Thủ tướng Đức Merkel bắt tay, cười nói cùng tác giả bức tranh xuất hiện ngay sau lưng bà (Nguồn: Rex).
Những bức tranh xuất hiện phía sau Thủ tướng Anh David Cameron hay Tổng thống Nga Vladimir Putin mỗi khi họ xuất hiện luôn mang nhiều ý nghĩa hơn là người ta từng nghĩ. Nhưng nếu chú ý đến chúng, cũng khá dễ để hiểu được những gì mà các nhà lãnh đạo trên muốn nói.
Bức ảnh chụp Tổng thống Pháp Francois Hollande ở viện Bảo tàng Louvre tại Paris hồi đầu năm nay là một ví dụ. Đằng sau lãnh đạo Pháp có treo 2 bức tranh toàn thân của danh họa Hà Lan Rembrandt. Hai bức tranh từng thuộc sở hữu của tư nhân trong suốt 130 năm và phải đến gần đây bảo tàng Louvre phối hợp cùng với bảo tàng Rijks tại Amsterdam mới lấy lại được. Điều này vô hình chung đã biến ông Hollande trở thành một người hùng của nền văn hóa nước nhà.
Và cũng không quá khó hiểu khi hồi tháng 1/2016, Thủ tướng Đức Angela Merkel xuất hiện trong các bức ảnh chụp khi bà đứng trước bức họa “Girls in the Field” – cô gái trên cánh đồng – một bức tranh nhỏ vẽ 2 cô gái mang những chiếc váy hoa sáng màu. Tác phầm này được tạo nên hồi năm 1943 bởi một cô bé 8 tuổi tên Nelly Toll tại một khu cộng đồng người do Thái ở Ba Lan. Nó từng được trưng bày tại cuộc triển lãm lớn nhất về thảm họa diệt chủng Holocaust.
Vào thời điểm mà châu Âu đang tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa bài Do Thái, hình ảnh bà Merkel đứng trước một tác phẩm mô tả về thế giới hòa bình của một cô bé nhỏ tuổi có ý nghĩa hơn bất kỳ lời nói nào mà bà có thể đưa ra. Cảnh tượng bà Merkel cười nói và bắt tay với tác giả của bức tranh, bà Nelly Toll giờ đã 80 tuổi, dường như khiến cho người xem thấy được niềm vui mà bức tranh nọ đã diễn tả.
Người bạn mới của tôi
Dù rằng bất kỳ vị lãnh đạo thế giới nào cũng nhận thức rõ về các tín hiệu hình ảnh xung quanh họ, nhưng với Tổng thống Mỹ thì điều này còn lên hẳn một tầm cao mới. Trong chuyến thăm gần đây nhất của Tổng thống Barack Obama đến Cuba – chuyến thăm đầu tiên của một vị Tổng thống Mỹ đến nước này trong suốt 88 năm qua – trong nỗ lực hàn gắn quan hệ hai bên.
Bức tranh mang tên “Người bạn mới của tôi” xuất hiện đằng sau ông Obama (Nguồn: Reuters).
Điều mà người ta chú ý nhất trong sự kiện này lại là một bức tranh có tên “My New Friend” – Người bạn mới của tôi – của một họa sỹ Cuba. Bức tranh vẽ nên hình quốc kỳ Mỹ và Cuba bằng những dấu tay xanh, đỏ, trắng trên nền xám. Nó được treo ngay sau lưng Tổng thống Obama khi ông vào bàn đàm phán để nói về việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận với Cuba.
Bức tranh trông giống như một thể loại nghệ thuật đường phố hoặc cho người ta cảm giác điều gì đó bị cấm cản. Cùng lúc, hai lá quốc kỳ cùng được tạo hình bằng các bàn tay màu sắc như thể ám chỉ rằng hai quốc gia không thể tách rời.
Nói nhẹ nhàng và mang theo một cây gậy lớn
Tổng thống Obama thậm chí đã trở thành vị lãnh đạo có kỹ năng đặc biệt trong việc sử dụng hình ảnh trong các sự kiện của mình. Ngày 25/2/2016, ông Obama đã nhắc lại ý định đóng cửa nhà tù trên vịnh Guantanamo, Cuba và tiếp tục vấp phải phản ứng từ những người cho rằng động thái này sẽ gửi đi tín hiệu tới những kẻ cực đoan rằng quyết tâm tiêu diệt khủng bố của nước Mỹ đã tiêu tan.
Do phải hứng chịu những lời chỉ trích cho rằng bản thân mình quá yếu đuối, ông Obama đã quyết định tổ chức một cuộc họp báo để tuyên bố lần cuối cùng về quyết định đóng cửa nhà tù Guantanamo của mình. Trong phòng họp báo, ông Obama đứng trước bức họa Tổng thống Theodore Roosevelt, người đã dẫn đầu đoàn quân kỵ binh huyền thoại giành chiến thắng các vị lãnh chúa người Tây Ban Nha ở Cuba, giành quyền kiểm soát vịnh Guantanamo hồi năm 1898.
Bằng việc xuất hiện cạnh một bức họa về nhà lãnh đạo anh hùng của nước Mỹ, người vốn nổi tiếng với câu nói “Nói nhẹ nhàng và mang theo một cây gậy lớn”, ông Obama hy vọng sẽ lấy lại hình ảnh một nhà lãnh đạo đầy quyền lực và mạnh mẽ.
Và đương nhiên, đội ngũ dưới quyền của ông Obama không phải những người duy nhất hiểu được thứ quyền lực bí ẩn trong việc sử dụng hình ảnh trong các chương trình nghị sự.
Hồi đầu tháng 2/2003, khi nước Mỹ đang thúc đẩy một cuộc chiến chống Iraq tại LHQ, các quan chức nước này đã treo một bức rèm xanh nước biển ngang qua một bức thảm thêu treo gần lối vào Hội đồng Bảo an, địa điểm mà đội ngũ truyền hình quay phim các quan chức Ngoại giao Mỹ.
Tổng thống George Bush lúc bấy giờ đã phải che đi tấm thảm treo trên trong khi thuyết phục LHQ về chiến dịch tấn công chính quyền Saddam Hussein của họ. Điều này là do, tấm thảm treo trên là một phiên bản của bức họa Guernica của danh họa Pablo Picasso, có nội dung chống chủ nghĩa phát xít. Tấm thảm rộng 3,4m này thể hiện sự kinh hoàng của đợt đánh bom năm 1937 tại thị trấn cổ Basque.
Bức tranh này đã vốn nổi tiếng từ lâu vì nhiều người xem nó như hình ảnh đối lập với sự hung hăng trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Việc chiếu các hình ảnh tấm thảm này đằng sau các vị lãnh đạo trên các kênh truyền thông Mỹ sẽ chả khác gì biến họ thành những người đang vận động hành lang để thúc đẩy chiến tranh. Chính vì vậy mà đội ngũ của Bush lúc bấy giờ đã phải che đậy tấm thảm này.