Đề nghị làm rõ trách nhiệm trong việc giao vốn chậm. Tiến độ giao vốn chậm, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Ngày 9/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn (KHĐTCTH) vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (đợt 3).
Về tình hình phân bổ, giao vốn KHĐTCTH, số vốn Chính phủ phải báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao KHĐTCTH là 455.909,989 tỷ đồng. Tại Tờ trình 256 và Tờ trình 17, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao KHĐTCTH đợt 3 là 100.426,504 tỷ đồng. Như vậy, số vốn còn lại Chính phủ chưa trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là 355.483,485 tỷ đồng.
Thẩm tra vấn đề trên, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, sau hơn 1 năm từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết về KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025, đến nay vẫn chưa hoàn thành việc phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Tiến độ giao vốn là chậm, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện KHĐTCTH.
Bên cạnh đó, các ý kiến đề nghị Chính phủ quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, phân bổ hết số vốn còn lại theo quy định. Việc phân bổ, giao vốn KHĐTCTH đối với số vốn còn lại cần thực hiện trước 31/12/2022, sau thời hạn trên, chuyển toàn bộ số vốn còn lại vào dự phòng chung để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.
Ông Cường cũng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong việc giao vốn chậm, đồng thời đề nghị kiên quyết cắt giảm toàn bộ số vốn đến nay chưa phân bổ, điều chuyển cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư, còn thiếu vốn để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2021-2025.
Về kiến nghị, ông Cường cho hay, Uỷ ban Tài chính ngân sách kiến nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án để báo cáo UBTVQH cho ý kiến để phân bổ số vốn còn lại 355.483,485 tỷ đồng trước ngày 31/12/2022. Sau thời hạn trên, số vốn còn lại chưa phân bổ phải chuyển vào dự phòng chung của KHĐTCTH.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, giải ngân đầu tư công chậm là bệnh trầm kha. Luật Đầu tư công ban hành thời gian ngắn đã phải sửa, rồi sửa trong 1 luật sửa 9 luật. Như vậy đã 2 lần sửa nhưng đến nay hơn 355 ngàn tỷ đồng là số tiền lớn nhưng chưa giải ngân được, vậy tại sao?, bao giờ phân bổ được số này?. “Đến 31/12/2022 phải xong, nghĩa là còn 4 tháng nữa không giải ngân được thì nhập hết vào dự phòng chung của KHĐTCTH. Nhiều dự án đến nay chưa có danh mục. Vậy vướng ở chỗ nào mà không giao được?. Không giao thì sao giải ngân được”-Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng 2022 đạt 34,47%, thấp hơn cùng kỳ 2021. Mọi năm là khoảng hơn 35%, tính cả năm thì đạt 80-90%. Năm nay đặc biệt so với các năm do giá cả nguyên vật liệu xây dựng tăng cao 20% nên các nhà đầu tư càng làm càng lỗ. Vừa qua đi kiểm tra các tỉnh giải ngân thấp, các nhà thầu “án binh bất động” chờ chính sách của Chính phủ thế nào?, có điều chỉnh gì hay không? vì càng làm càng lỗ. Bên cạnh đó, tâm lý địa phương e ngại trong thủ tục đầu tư, đất đai, 1 số nơi không dám làm và ảnh hưởng đến việc giải ngân.
Ông Dũng cho biết, để tháo gỡ, Thủ tướng đã lập 6 đoàn công tác làm việc với các địa phương để nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Năm nay ước tính giải ngân khoảng đạt 92%. Thời gian tới sau khi được giao vốn tiếp theo sẽ làm thủ tục đầu tư và cố gắng đẩy nhanh việc giải ngân.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, sau khi xem xét Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bố trí bổ sung đợt 3 cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện danh mục. Thống nhất việc giao vốn kế hoạch cho 3 dự án quan trọng quốc gia 78.307,587 tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh giảm KHĐTCTH giai đoạn 2021-2025 đã bố trí cho Bộ Giao thông vận tải 31.396 tỷ đồng để giao về các địa phương: Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Ông Hải cũng cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Chính phủ chịu trách nhiệm hoàn thiện danh mục dự án, đảm bảo quyết định từng dự án, bố trí vốn tập trung, không manh mún phân tán, và hoàn thành dự án đúng tiến độ. Việc thay đổi dự án phải báo cáo Quốc hội. Chính phủ cần rút kinh nghiệm vấn đề này, không để kéo dài qua nhiều năm. Ưu tiến vốn cho các dự án trọng diểm, đảm bảo giải ngân trong 2 năm: 2022, 2023.