Năm 2017, giải Nobel văn học được trao cho nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro. Năm 2018, vì những sự cố ngoài ý muốn, giải Nobel văn học bị tạm dừng. Trước lễ công bố năm nay một tuần, người đứng đầu Ủy ban Nobel tuyên bố rằng, danh sách người được nhận giải Nobel văn học mới sẽ “great again” (vĩ đại trở lại), cụ thể sẽ thoát khỏi hội chứng “thiên vị châu Âu” và “thiên vị giới mày râu”... Sự thật thế nào?
Các chuyên gia và các hãng cá độ trong suốt một thời gian dài cho tới sát ngày công bố giải thưởng Nobel văn học mới đã đặc biệt chú ý tới tác giả của “Trò chơi vương quyền” George Martin, nữ văn sĩ Ba Lan Olga Tokarczuk và nhà văn Kenia Ngugi wa Thiong'o… Bên cạnh đó còn có nữ văn sĩ Canada Margaret Atwood và nhà văn Nhật rất quen thuộc ở Việt Nam Haruki Murakami…
Theo thông báo của Viện Hàn lâm Thụy Điển ngày 10-10-2019, giải Nobel văn học năm 2018 và năm 2019 được công bố cùng một lúc và trao cho hai tác giả châu Âu, trong đó có một phụ nữ. Đó là nữ văn sĩ Ba Lan Olga Tokarczuk và nhà văn Áo hiện đang sống ở Pháp Peter Handke. Tokarczuk được vinh danh vì “lối viết giàu sức tưởng tượng, một cảm xúc rộng khắp như cách vượt qua mọi ranh giới, coi đó như một lối sống”. Còn Handke được trao giải “vì một tác phẩm có ảnh hưởng cùng sự khéo léo về ngôn từ đã khám phá được ngoại diên và sự độc đáo của trải nghiệm làm người”… Như vậy lời hứa của người đứng đầu Ủy ban Nobel mới thực hiện được một nửa: Tokarczuk đã trở thành người phụ nữ thứ 15 được nhận giải thưởng này trong hơn một trăm năm lịch sử của nó…
Phụ nữ không là phái yếu
Cũng phải nói rằng, Olga Tokarczuk cũng là một thí dụ hiếm hoi, khi Ủy ban Nobel trao giải văn học cho một tác giả đang trong thời kỳ sung sức nhất của mình. Nữ văn sĩ Ba Lan sinh năm 1962 tại thành phố Sulechow ở miền tây Ba Lan, gần vùng biên giới. Bà từng tốt nghiệp khoa tâm lý Đại học Tổng hợp Warsaw, từng làm bác sĩ tâm lý ở Walbrzych. Hiện bà cư trú tại Wroclaw, gần biên giới với CH Czech và CHLB Đức. Bà từng nói, bà rất quan tâm tới vấn đề biên giới, có lẽ không chỉ giữa các quốc gia mà còn giữa thế giới thực và những huyền thoại, thậm chí giữa cái có thể và cái không thể... Tokarczuk là thành viên đảng Xanh và Ủy viên Hội đồng Biên tập tạp chí theo khuynh hướng tự do thiên tả “Phê phán chính trị”.
Tokarczuk xuất hiện thoạt tiên với tư cách một nhà thơ và tác phẩm đầu tay của bà là một tập thơ. Năm 1993, bà mới xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình “Hành trình của người sách”. Tiểu thuyết “Những chuyến bay” đang mang lại cho bà giải thưởng văn học danh giá nhất ở Ba Lan Nike năm 2008. Năm 2015, tiểu thuyết mới của bà “Những cuốn sách của Jakob” đã mang lại cho bà thêm một giải Nike nữa. Tokarczuk còn được đánh giá là người viết truyện ngắn có hạng. Các nhà phê bình văn học xếp bà vào đội ngũ “văn xuôi trẻ những năm 1990”. Các tác phẩm của bà được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới…
Tháng 5/2018, Tokarczuk đã được trao giải thưởng quốc tế Booker cho tiểu thuyết “Những chuyến bay” viết năm 2007. Bà là người phụ nữ Ba Lan đầu tiên được nhận giải thưởng trị giá 50.000 bảng Anh này (cùng với nữ dịch giả Jennifer Croft, người đã chuyển ngữ sang tiếng Anh rất xuất sắc tiểu thuyết này của bà). Năm 2019, Tokarczuk được lọt vào trong danh sách ngắn của giải thưởng quốc tế Booker với tiểu thuyết “Hãy đi như lưỡi cầy trên xương cốt người đã chết”. Với thành tích mới nhất, Tokarczuk đã trở thành nhà văn thứ năm của Ba Lan được nhận giải Nobel văn học…
Tokarczuk được coi là một tác giả “nhạy cảm” về mặt chính trị trong xã hội Ba Lan. Bà hay đưa ra những cái nhìn mang tính phản biện về chính lịch sử đất nước mình. Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan cho rằng Tokarczuk đã bước ra “biên giới của sự có thể” khi nói rằng Ba Lan không chỉ là nạn nhân trong các cuộc xâm lược từ bên ngoài mà đôi khi cũng trở thành nước đi xâm lấn các quốc gia khác. Đã có lúc các ông chủ nhà xuất bản phải thuê người bảo vệ nữ văn sĩ vì sợ những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan manh động làm hại bà bởi những lời phát biểu như thế… Vốn quen theo quan niệm nhà văn không nên dính líu với chính trị, khi bị rơi vào tình huống trên, Tokarczuk đã hiểu ra rằng, không thể nào thoát khỏi chính trị và bà nói: “Trong những năm gần dây, tôi nhận thấy rằng nhà văn trong bất cứ tình huống nào, dù viết gì cũng phải đưa ra một sự lựa chọn chính trị”…
Phủ nhận để được công nhận
Khi hay tin mình được nhận giải Nobel văn học năm 2019, ngay trong ngày 10-10, Peter Handke đã nói với các nhà báo trong cuộc gặp gỡ tại thành phố Chaville (tỉnh Hauts-de-Seine, nằm ở tây bắc Paris) rằng ông thực sự bị bất ngờ. Đơn giản vì trong những năm gần đây, Handke đã không chỉ một lần phát biểu ý kiến về việc cần phải xóa bỏ giải thưởng văn học Nobel. Theo ông, giải thưởng này “phong thánh” một cách giả dối cho những nhà văn chẳng mang lại lợi ích gì cho chính độc giả. Hãng tin AFP dẫn lại lời phát biểu của Handke: “Sau những “cãi cọ” như vậy. tôi rất ngạc nhiên vì quyết định này (của Ủy ban Nobel). Quyết định đó là một bước đi mạnh dạn của Viện Hàn lâm Thụy Điển”… Chaville là nơi Handke sống từ năm 1990 tới nay…
Peter Handke sinh ngày 6/12/1942 tại nhà của ông ngoại ở Griffen, Carinthia, miền nam nước Áo, giáp Italia và Slovenia. Ba ngày sau khi cất tiếng khóc chào đời, cậu bé Peter đã được làm lễ rửa tội ở nhà thờ tu viện Công giáo Đức Mẹ đồng trinh. Mẹ của nhà văn tương lai, bà Maria (1920-1971), là người Slovenia trên đất Carinthia. Năm 1942, bà Maria làm quen với ông bố tương lai của nhà văn, người Đức, nhân viên trong một nhà băng tên là Erich Schonemann. Đó là một người đàn ông đã có vợ, từng phục vụ trong quân đội ở Carinthia. Bà Maria đã có mang với ông Erich Schonemann. Trước lúc sinh con, bà Maria đã lên xe hoa với một người đàn ông ở Berlin, một nhân viên bán vé tàu điện tên là Adolf Bruno Handke (mất năm 1988). Vì thế cậu bé Peter khi sinh ra đã mang họ Handke. Nhà văn tương lai chỉ được biết về cha ruột của mình không lâu trước khi tốt nghiệp trung học… Theo các tài liệu, cha dượng của nhà văn mắc bệnh nát rượu…
Gia đình Peter Handke hầu như không bị đụng chạm gì bởi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai.
Năm 1954, Peter Handke được gửi đến trường nội trú dành cho các học sinh trai Công giáo Marianum tại lâu đài Tanzenberg ở Sankt Veit an der Glan, Carinthia. Tại đây, nhà văn tương lai đã được in bài viết đầu tiên của mình trên tờ báo của trường Fackel. Năm 1959, Handke chuyển đến học bậc trung học ở Klagenfurt. Năm 1961, ông vào học khoa luật tại Đại học Graz. Ngay từ khi còn là sinh viên, Handke đã tham gia nhóm Grazer Gruppe, nơi gặp gỡ của nhiều tên tuổi danh tiếng trong tương lai, như Barbara Frischmuth hay Elfriede Jelinek (giải Nobel văn học 2004)… Ngày 21/1/1964, lần đầu tiên tác phẩm của Handke được đọc giới thiệu trong nhóm này… Năm 1965, Handke đã bỏ học, sau khi được nhà xuất bản Đức Suhrkamp Verlag chấp nhận in cho cuốn tiểu thuyết “Die Hornissen” của ông. Ông đã thu hút được sự chú ý sau khi trình bày vở kịch không cốt truyện “Publikumsbeschimpfung” (Xúc phạm khán giả) tại một cuộc gặp mặt của các nghệ sĩ tiên phong thuộc nhóm nhạc Buckpe 47 tại Princeton, bang New Jersey, Mỹ. Handke trở thành một trong những người đồng sáng lập của nhà xuất bản Verlag der Autoren vào năm 1969 và tham gia với tư cách là thành viên của nhóm Grazer Autorenversammlung từ năm 1973 đến 1977…
Handke được coi là người kế tiếp truyền thống của Ibsen và Kafka. Ông cũng từng được nhận các giải thưởng mang tên hai bậc tiền bối này…
Mặc dù trưởng thành ở phương Tây nhưng Handke luôn luôn có thái độ ấm áp đặc biệt đối với khu vực Balkan. Ông là người nhất quán lên tiếng bảo vệ nhà lãnh đạo Serbia, Slobodan Milosevich. Năm 2006, ông đã có bài điếu văn rất xúc động tại lễ tang Milosevich và bằng hành động này càng gây thêm vực sâu ngăn cách với cái gọi là giới trí thức tả khuynh ở phương Tây… Năm năm trước đây, khi chúc mừng chiến thắng trong giải Nobel của Patrik Modiano, chính Handke đã nhận xét rằng, giải thưởng này “bạ ai trao nấy” và vì thế, “lợi bất cập hại”… Việc Viện Hàn lâm Thụy Điển năm nay trao giải Nobel văn học cho chính Handke được đánh giá như một nước cờ cao tay. Theo nhận xét của một nhà văn Nga, sau hàng loạt những vụ tai tiếng, giải Nobel cần phải tập trung sự chú ý tới một việc gì đó bất thường và trong trường hợp với Handke, họ có vẻ như đã thành công vì tạo ra được những làn sóng dư luận rất trái chiều: người thích trách họ có vẻ như thiên tả quá, người lại trách họ đùa giỡn với cánh hữu, còn người thì lại ngúng nguẩy chê họ một tội gì đó chưa chắc đã có thật… Trong không khí “cancel culture” đang thịnh hành ở phương Tây, khi mà lắm lúc chỉ một dòng twister vô tư lự quá cũng có thể hạ đao kết thúc một sự nghiệp, thì việc Ủy ban Nobel làm như không chấp những “lời phủ nhận khiếm nhã” của các nhà văn khi trao giải cũng là một cách tự làm mới mình. Trước đây, nhà văn Argentina, Jorge Luis Borges, chỉ với một động tác bắt tay nhà độc tài Pinochet đã làm mất hẳn cơ hội nhận giải Nobel của mình thì hiện nay, việc trao giải Nobel văn chương cho Handke ở mức độ nào đấy là một cử chỉ ngoạn mục nếu nhìn từ góc độ thanh danh…