Chiều 3/10, Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Vật lý 2023 thuộc về các nhà khoa học Pierre Agostini, Ference Krausz và Anne L’ Huillier cho các phương pháp thực nghiệm tạo ra xung ánh sáng atto giây phục vụ nghiên cứu động lực học điện tử trong vật chất.
Pierre Agostini là giáo sư tại Đại học Bang Ohio, Columbus, Mỹ. Ferenc Krausz là giáo sư tại Đại học Ludwig Maximilian München, Đức. Anne L’Huillier là giáo sư tại Đại học Lund, Thụy Điển.
Kết quả này phù hợp với đánh giá của Tạp chí Physics World trước đó khi nhận thấy, 3 năm trong số 6 năm gần đây, các giải thưởng đều thuộc về những nhà vật lý làm việc trong lĩnh vực thiên văn học, vật lý thiên văn và vũ trụ học. Do đó, họ dự báo rằng chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm nay sẽ không làm việc trong các lĩnh vực này.
Giải thưởng năm nay đã được nâng lên 11 triệu curon Thụy Điển (khoảng 1 triệu USD) do Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển trao tặng.
Vật lý là giải Nobel thứ 2 được trao trong tuần này sau khi nhà khoa học người Hungary Katalin Kariko và đồng nghiệp người Mỹ Drew Weissman giành được giải Nobel Y sinh vì đã khám phá ra phân tử mRNA mở đường cho vaccine ngừa Covid-19.
Nobel là hệ thống giải thưởng quốc tế được Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 theo ý nguyện của nhà khoa học, nhà phát minh nổi tiếng Alfred Nobel. Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật, phục vụ lợi ích của nhân loại, trong các lĩnh vực Y học, Hóa học, Vật lý, Văn học và Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế. Từ năm 1901-2022, giải thưởng Nobel đã được trao 615 lần cho 989 cá nhân và tổ chức trên thế giới.
Giải Nobel Vật lý năm 2022 thuộc về 3 nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo) với các nghiên cứu liên quan lĩnh vực lượng tử. 3 nhà khoa học trên đã thực hiện những thí nghiệm mang tính đột phá với các trạng thái vướng víu lượng tử hay rối lượng tử - hiệu ứng trong đó trạng thái lượng tử của hai hay nhiều vật thể có liên hệ tức thời với nhau dù chúng có nằm cách nhau bao xa.