Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, tháng 7 tới thị trường giao dịch thứ cấp cho trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ vận hành, kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết nút thắt của trái phiếu doanh nghiệp.
Thời gian qua thị trường TPDN đóng băng, DN dù khát vốn cũng không thể phát hành trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị TPDN phát hành được ghi nhận là 34.258 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, số lượng DN chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu nợ ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng tuần trước đã có 6 DN công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu trị giá 12.461 tỷ đồng và 4 DN công bố phương án tái cơ cấu trái phiếu. Áp lực TPDN riêng lẻ đáo hạn tiếp tục tăng mạnh nửa cuối năm nay.
Phó vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, trước tình hình khó khăn của thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm giải quyết khó khăn trước mắt và khôi phục niềm tin của thị trường TPDN. Từ khi ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhiều DN đã phát hành được trái phiếu và có căn cứ pháp lý để thực hiện tái cơ cấu lại, gia hạn thanh toán trái phiếu.
Ông Dương cho biết, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và thường xuyên có những văn bản đôn đốc DN có nghĩa vụ thanh toán trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng. Mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc 5 DN đến hạn phải thanh toán trái phiếu. Trường hợp có khó khăn trong việc thanh toán, DN phải cân đối nguồn tiền trả nợ và chủ động đàm phán với trái chủ để cơ cấu lại khoản nợ. Bộ Tài chính đã khuyến nghị các DN phải chủ động công bố, minh bạch thông tin để nhà đầu tư nắm được tình hình DN, từ đó có căn cứ đưa ra các quyết định đầu tư, khôi phục niềm tin với thị trường.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, tình trạng khó khăn trên thị trường trái phiếu là có thật. Tuy nhiên, khó khăn này xuất phát cả từ thực trạng kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của cả nền kinh tế, trong đó bao gồm cả DN phát hành trái phiếu. Do đó, để khắc phục được những khó khăn này phải có giải pháp đồng bộ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất, kinh tế tăng trưởng, DN sản xuất kinh doanh có hiệu quả.
“Thời gian qua khó khăn là vậy, nhưng với giải pháp quyết liệt của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Đây là điểm tựa quan trọng nhất để chúng ta thực thi các giải pháp khác để đưa nền kinh tế phát triển trong chu kỳ đi lên. Có như vậy chúng ta mới giải quyết được hết tất cả khó khăn trong đó khó khăn của trái phiếu DN” - ông Chi nói.