Nhiều báo cáo thường niên của các tổ chức trong nước cũng như quốc tế công bố mới đây đều có chung nhận định: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2017 sẽ ở mức 6,5%, thay vì mức 6,7% như mục tiêu đặt ra của Quốc hội.
Mặc dù con số mà các tổ chức kinh tế dự báo đưa ra có giảm so với mục tiêu ban đầu của Quốc hội, song đây là con số phản ánh thực chất về những chuyển biến của nền kinh tế trong thời điểm hiện nay. Và theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế: Con số tăng trưởng 6,5% là con số trong tầm tay, khi mà những nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường kinh doanh ngày càng rõ nét hơn.
Chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp làm cho sản xuất nông nghiệp trở nên hiệu quả và bền vững.
Nếu nhìn lại bức tranh kinh tế của năm 2016, khó ai có thể nghĩ rằng, nền kinh tế lại có những bứt phá ngoạn mục như thế. Hàng loạt các sự cố liên quan đến môi trường trong năm 2016 đã làm dấy lên trong dư luận những lo ngại về sự giảm sút của nền kinh tế của cả năm vừa qua.
Tuy nhiên, bằng những nỗ lực của Chính phủ trong xử lý hậu quả về môi trường, cũng như việc thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm cả sự cố gắng phục hồi sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN, tăng trưởng GDP của năm 2016 đã đạt mức 6,21%.
Con số này, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê dù không đạt mục tiêu đã đề ra nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, trong nước gặp nhiều khó khăn thì mức trên đã là một thành công.
Tiếp nối những thành công của năm 2016, 3 tháng đầu năm 2017, diễn biến của nền kinh tế cho thấy, có nhiều triển vọng để tăng trưởng tốt. Điều này thể hiện ở thực tế môi trường kinh doanh Việt Nam đã cải thiện rất nhiều.
“Cải cách thực tiễn kinh doanh đã giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong xếp hạng Môi trường Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ vị trí 91 trên 189 quốc gia được khảo sát trong năm 2016 lên 82 trên 190 nước được khảo sát năm 2017” – Báo cáo công bố mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh.
Các cuộc cải cách đang diễn ra cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu nhiều hơn cổ phần trong nước tại các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, cùng với việc cho phép nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, sẽ là động lực khuyến khích đầu tư tư nhân.
Và đây chính là những động lực để tiếp sức thêm cho nền kinh tế, bởi dù là ở đâu, môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch cũng là nhân tố quyết định nền kinh tế có thể phát triển vững mạnh hay không.
Số lượng doanh nghiệp mới thành lập lên đến con số kỷ lục là 110.000 doanh nghiệp trong năm 2016, tăng 16,2% so với năm 2015 là một minh chứng rõ rệt cho nhận định này.
Những dữ liệu nói trên sẽ là động lực chính đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 và cả những năm tiếp sau.
Tuy nhiên, nói đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, không thể bỏ qua lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, bởi, đây là trụ đỡ chính của nền kinh tế. Liên tục nhiều năm liền, tăng trưởng của lĩnh vực này là “phao cứu sinh” của cả nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, năng lực sản xuất hiện nay của các mắt xích trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, hầu như “đoạn” nào của chuỗi cũng… yếu.
Nông dân sản xuất manh mún, tự phát. Doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp hoặc nếu có đầu tư thì vốn nhỏ, năng lực yếu. Trong khi đó, khoa học-công nghệ thì luôn bị thế giới nhìn với con mắt “lạc hậu”…
Có thể trước đây, nông nghiệp là động lực quan trọng đối với tăng trưởng và giảm nghèo. Việc dỡ bỏ rào cản trong thương mại và trong sản xuất hợp tác xã vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990 đã khuyến khích tập trung nguồn vốn con người và vật chất vào ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản lượng tăng cao.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, công cuộc đổi mới ngành nông nghiệp trước đây chỉ phát huy tác dụng trong một giai đoạn nhất định, và không có tác dụng nhiều trong việc cải thiện năng suất canh tác trên mỗi người lao động.
Do vậy, kể cả 20 năm sau đổi mới, Việt Nam vẫn là nước có năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp nhất trong khu vực.
Chuyển đổi mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp làm cho sản xuất nông nghiệp trở nên hiệu quả và bền vững hơn là yếu tố thiết yếu để nâng cao tăng trưởng GDP cho Việt Nam, giúp cho Việt Nam trở thành nước có vị thế thu nhập trung bình cao. Đây cũng là yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Có lẽ, đó cũng chính là lý do vì sao thời gian qua, Chính phủ tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp ngày một mạnh mẽ hơn, một trong những động thái của Chính phủ phải kể đến việc đưa ra gói hỗ trợ 100.000 tỷ đồng nhằm khuyến khích DN đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Kèm theo đó là những chính sách, cơ chế liên quan đến tích tụ đất đai, củng cố hạ tầng cơ sở…
Thừa nhận những chủ trương, chính sách để phát triển kinh tế nông nghiệp đã có, tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nhất định phải đưa ra cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại lớn…
Vì một nền kinh tế nông nghiệp mạnh không thể dựa vào những nhà sản xuất có quy mô manh mún, nhỏ lẻ.