Mới đây, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) đã tiến hành thiết kế, cải tiến trang phục bảo hộ dành cho các nhân viên y tế chống dịch Covid-19, trong đó giải pháp làm mát đã được nghiên cứu thành công giúp đảm bảo sức khỏe cho những y bác sĩ tuyến đầu chống dịch trước thời tiết nắng nóng gay gắt.
Những ngày gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cộng với thời tiết nắng nóng gay gắt xảy ra đã khiến cho lực lượng y tế gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Đặc biệt, bộ đồ bảo hộ của các nhân viên y tế được thiết kế kín mít, che kín toàn thân, lại làm bằng chất liệu chống thấm nước nên càng làm cho thân nhiệt tăng cao trong những ngày nắng nóng, gây ra tình trạng đổ nhiều mồ hôi, ngột ngạt và khó chịu.
Thực tế cho thấy nhiều nhân viên y tế đã kiệt sức, thậm chí ngất xỉu trong quá trình làm việc. Nhiều cán bộ y tế cũng bị phồng rộp da sau nhiều ngày mặc các bộ đồ bảo hộ để làm việc dưới trời nắng nóng.
Trước tình trạng trên, Viện Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã nhanh chóng tiến hành nghiên cứu, cải tiến bộ đồ bảo hộ nhằm tìm kiếm các giải pháp tối ưu để đảm bảo sức khỏe cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch. Theo đó, Viện đã nghiên cứu giải pháp để chống nóng cho nhân viên y tế chống dịch bằng thiết bị làm mát được thiết kế bên trong bộ đồ bảo hộ.
Chia sẻ với PV, ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện đã tiến hành nghiên cứu và tìm các giải pháp chống nóng cho nhân viên y tế khi mặc bộ đồ bảo hộ chống dịch trong mùa hè. Hiện tại, giải pháp làm mát bên trong bộ đồ bảo hộ đã được nghiên cứu thành công.
Cụ thể, Viện đã chế tạo một thiết bị làm mát để trang bị phía trong bộ đồ bảo hộ. Thiết bị này có quạt đeo cá nhân, giúp đưa không khí bên ngoài vào phía trong bộ bảo hộ, giúp hạn chế tối đa tình trạng nóng bức, bí bách trong môi trường nhiệt độ cao. Quạt máy được kết nối với hệ thống pin sạc, có 4 cấp độ làm mát với thời gian sử dụng tối đa lên tới 10 giờ.
Điều đặc biệt là thiết bị này hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến khả năng bảo vệ của trang phục bảo hộ do không can thiệp vào thiết kế của áo bảo hộ nên sẽ đảm bảo an toàn cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
“Các chuyên gia đã thiết kế phần che 2 đầu để quần áo không bị hút vào quạt; tiêu chí của loại quạt sử dụng là phải nhẹ vì nhân viên y tế không thể đeo bộ quần áo quá nặng. Những yếu tố này đều phải nghiên cứu, chọn lựa phù hợp”, ông Hải cho biết.
Cũng theo Viện trưởng, ngay trong sáng 1/6, thiết bị làm mát này đã được mang đến tâm dịch Bắc Giang để thử nghiệm trên các trang phục bảo hộ của nhân viên y tế. Qua khảo sát ban đầu, hầu hết những người được thử nghiệm đều đánh giá cao khả năng làm mát của thiết bị, họ đều cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều.
Hiện tại, Bộ Y tế đang đề xuất Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường hỗ trợ 500 thiết bị làm mát để đưa đến Bắc Giang. Tuy nhiên, vì mới chỉ sản xuất thử nghiệm và không có kinh phí sản xuất nên số lượng thiết bị không đủ để đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế. Bởi vậy, Viện cũng mong muốn các đơn vị sẽ cùng hợp tác, tài trợ cho quá trình sản xuất hoặc tiếp nhận chuyển giao để có thể sản xuất số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu cho nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch .