Theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, hầu hết các địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, và đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, tuy nhiên với hơn 10 nghìn chỉ tiêu việc làm được các doanh nghiệp, nhãn hàng lên kế hoạch tuyển dụng, trong đó rất nhiều người lao động đã tìm được việc làm sau phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành đã cho thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường lao động.
Tại Bắc Giang: 49 doanh nghiệp với trên 8.000 lao động đủ điều kiện sản xuất trở lại. Được biết, đến nay, Tổ công tác của tỉnh Bắc Giang đã tiếp nhận hồ sơ của 157 doanh nghiệp, đã có 49 doanh nghiệp (với trên 8.000 lao động) đủ điều kiện sản xuất an toàn Covid-19 được cho phép hoạt động trở lại.
Đáng chú ý, Tổ công tác của tỉnh Bắc Giang tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp theo hoàn thiện các quy trình sản xuất an toàn, điều kiện về nơi ở tập trung trong doanh nghiệp; tập hợp đón công nhân về nơi ở tập trung để xét nghiệm Covid-19 và tiêm phòng vaccine trước khi đi làm trở lại.
Hiện tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm lần 2 cho công nhân, xác nhận đủ điều kiện cho công nhân đi làm trở lại đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN đã được cho phép sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch trong khu công nghiệp sau khi các DN đi vào hoạt động trở lại.
Tại thành phố Hà Nội, theo Phó giám đốc Sở LĐ-TB & XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, để giải quyết việc làm mới cho ít nhất 160 nghìn lao động trong năm 2021 theo kế hoạch, Hà Nội đã đặt trọng tâm nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.
Đầu tiên là đổi mới hoạt động của hệ thống trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm; ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường lao động. Từ đó, đưa ra dự báo chính xác về nhu cầu sử dụng lao động theo từng ngành, nghề, lĩnh vực, làm căn cứ để tổ chức đào tạo nghề cho phù hợp.
“Về hỗ trợ phát triển thị trường lao động, Hà Nội tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo nghề; tiếp cận với các chính sách ưu đãi nhằm duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, hạn chế tình trạng người lao động bị thất nghiệp. Về phía người lao động, những người có nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm, nếu đủ điều kiện sẽ được ưu tiên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi”, ông Dân cho hay.
Tại Thanh Hóa, ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB & XH tỉnh Thanh Hoá đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm, và đã tạo việc làm mới cho gần trên 30.000 lao động.
Theo khảo sát sơ bộ, có khoảng 220 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, với số lao động cần tuyển là 32.000 lao động (trong đó lao động nữ chiếm gần 70%). Do yêu cầu về trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao, chủ yếu là lao động phổ thông nên khả năng đáp ứng về nguồn cung lao động của tỉnh đạt khoảng 90%. Trong những tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hoá đã giải quyết việc làm mới cho trên 30.000 lao động trên địa bàn tỉnh.
Theo các chuyên gia lao động, những tín hiệu tích cực của thị trường lao động ngay những tháng đầu năm 2021 này là kết quả của việc các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã triển khai các “kịch bản” mới để giữ việc làm đang có, tạo việc làm mới, giúp người lao động ổn định đời sống.