Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, tính đến giữa năm 2023, cả nước có khoảng gần 70 triệu mô tô, xe máy. Việc kiểm soát nguồn phát thải này vẫn đang là một bài toán khó chưa có lời giải.
Khổ vì ô nhiễm
Dù đã quen với tiếng ồn và khí bụi nhưng mỗi lần đi công tác hay đi chơi xa khỏi khu vực nội đô với chị Nguyễn Thu Hà (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) thực sự là khoảng thời gian được sống trong tĩnh lặng. “Nhà ngay mặt đường là lợi thế tầng 1 để cho thuê kinh doanh, nhưng cũng có rất nhiều bất lợi cho sức khỏe khi phải sống chung với bụi và tiếng ồn. Cho dù nhà tôi đã lắp kính chống ồn nhưng cũng chỉ giảm phần nào, nhiều lúc đang ngủ cứ ngỡ có xe nào đâm vào nhà mình” - chị Hà chia sẻ.
Anh Nguyễn Đức Tùng (quận Thanh Xuân) cho biết: “Đúng là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Trước tôi có căn nhà mặt đường, song vì muốn được yên tĩnh nên đã bán đi để mua chung cư. Nhưng về đây cũng chỉ được 1 đến 2 năm là bình yên. Còn giờ đường Lê Văn Lương kéo dài những tòa nhà chung cư, căn hộ mọc lên nhiều, các phương tiện giao thông đi lại dày đặc, nên dù ở tận trên tầng 10 mà nhà lúc nào cũng phải đóng cửa nếu không muốn bị hút bụi và nghe đủ tiếng ồn, tạp âm”.
Trong khi nhiều người dân khác sinh sống ở Thủ đô lại phản ánh, đường phố Hà Nội gần như thời điểm nào cũng có rất đông các loại phương tiện tham gia lưu thông. Nhiều hôm, khoảng thời gian 10, 11 giờ đêm mà đường phố Hà Nội vẫn đông xe… Điều này khiến nhiều tuyến đường, tuyến phố có không khí bị ô nhiễm. Cộng với đó, nhiều ngày nay, Hà Nội thường xuyên có sương mù dày khiến khói bụi không thể khuếch tán nên lơ lửng ở lớp không khí gần mặt đất càng làm ô nhiễm không khí nhiều hơn.
Được biết, hiện Thủ đô Hà Nội có tới 26 điểm ùn tắc như: trục đường nối với đường vành đai 3, tuyến đi Giáp Bát, cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển… Trong khi đó, theo kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, cuối tháng 12/2023 có 4,5% số liệu của nồng độ bụi mịn PM10, PM2.5 không đạt quy chuẩn quốc gia. Nếu so sánh với giới hạn nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình hàng năm được khuyến nghị bởi Tổ chức Y tế Thế giới, nồng độ PM2.5 của thành phố này có thời điểm trong năm cao hơn gần 15 lần.
Theo thống kê, trên cả nước có khoảng 5,4 triệu xe ô tô, hơn 68 triệu xe máy đang hoạt động lưu thông và đây cũng là một trong những tác nhân chính gây ô nhiễm tại TPHCM cũng như các thành phố lớn khác. Khi di chuyển trên đường không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe “hết đát” vẫn lăn bánh xả khói đen kịt ra môi trường.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), TPHCM và Hà Nội là 2 địa phương có lượng mô tô, xe máy lớn nhất với lần lượt là 9 triệu và 7,7 triệu chiếc. Đặc biệt, lượng mô tô, xe máy cũ, trải qua thời gian sử dụng hàng chục năm chiếm một lượng không nhỏ với khoảng hơn 6 triệu chiếc ở TPHCM và gần 3 triệu chiếc ở Hà Nội. Đây chính là nguồn phát thải vô cùng lớn ra môi trường.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, trong nhóm phương tiện giao thông cơ giới, mô tô, xe máy chỉ tiêu thụ 56% tổng lượng xăng nhưng lại dẫn đầu về nguồn thải với 94% lượng hydro cacbon (HC), 87% lượng cacbon oxit (CO), 57% lượng nitrogen oxit (NOx)… Tất cả những loại khí thải này đang là thủ phạm chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, việc xử lý cũng như hạn chế tình trạng trên không dễ.
Cần giải pháp đồng bộ
Trước thực tế trên, vừa qua Bộ GTVT đã có Tờ trình Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan về quy định xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải được kiểm tra định kỳ về phát thải khí thải. Quy định này được xem sẽ góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo thực hiện các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Làm rõ được trách nhiệm của chủ phương tiện, người lái xe về công tác bảo dưỡng định kỳ đối với phương tiện giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhận định, mô tô, xe máy vẫn đang là phương tiện được nhiều người dân lựa chọn, việc kiểm soát khí thải là cần thiết.
Theo ông Hùng, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe máy sẽ bảo đảm phương tiện vận hành an toàn hơn, qua đó góp phần bảo đảm an toàn giao thông, an toàn tính mạng người dân và bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia về môi trường, với tốc độ phát triển nhanh chóng về lượng của mô tô, xe máy trong thời gian qua, việc kiểm định phát thải khí thải đối với các loại phương tiện này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, do mô tô, xe máy đang là phương tiện đi lại của đại bộ phận người dân nên việc kiểm định đối với loại phương tiện này cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Số liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, lượng khí thải CO2 (cacbon dioxit) của Việt Nam hiện nay là 500 triệu tấn/năm. Đến năm 2030, nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp giảm phát thải, lượng CO2 có thể tăng gấp đôi lên tới 900 triệu tấn. Đây là mức độ tăng rất lớn. Trong đó có tỷ lệ lớn đến từ giao thông vận tải.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt (trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, môi trường ngày càng ô nhiễm nặng nề, nên hạn chế sử dụng xe máy xăng, khuyến khích chuyển đổi sang sử dụng xe máy điện. Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, các cơ quan quản lý có thể sử dụng công cụ điều tiết vĩ mô. Chẳng hạn như ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, hay các chính sách về thuế, phí với xe máy xăng, qua đó hạn chế tiêu dùng. Cùng với đó là ban hành các chính sách ưu đãi lớn với xe máy điện để khuyến khích người dân sử dụng.