Mới đây, tại cuộc họp Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam yêu cầu, toàn ngành Bảo hiểm cần phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được Chính phủ giao. Trong đó, tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN.
Cụ thể, trước khó khăn do đại dịch Covid-19, BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN như: Mở rộng hệ thống đại lý thu; rà soát, phân loại các nhóm người chưa tham gia để tập trung khai thác, trong đó chú trọng vào các nhóm tiềm năng; tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất đối với doanh nghiệp nợ, chậm đóng…
Theo báo cáo của Chính phủ cho thấy, đến 31/12/2020 tổng số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với năm 2019, tương đương mức tăng 15,5% so với năm 2019, chiếm 4,2% số phải thu (nợ lãi 3.017 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, năm 2020 số nợ BHXH bắt buộc là 11.660 tỷ đồng, tăng so với 2019 và số nợ phải tính lãi lên đến 3.017 tỷ - đây là điều đáng báo động. Do đó, trong tổng số nợ BHXH này sẽ phân ra nhiều loại nợ nên Chính phủ cần phân rõ từng loại nợ BHXH ra, loại nợ BHXH nào do chây ỳ, nợ BHXH nào do ảnh hưởng dịch Covid-19 (nợ trước và sau dịch), nợ của khối DN phá sản, giải thể... để có giải pháp phù hợp.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, mặc dù năm 2020 khó khăn do dịch bệnh thiên tai nhưng BHXH Việt Nam đã phối hợp các ngành, các cấp ủy chính quyền địa phương, từ tỉnh đến thôn bản để thực hiện các nhiệm vụ và Nghị quyết về mở rộng bao phủ BHXH tự nguyện. Chính nhờ sự vào cuộc chặt chẽ của các cơ quan nên số người tham gia BHXH tự nguyện đã gấp đôi năm 2019. Cùng với đó, công tác thu BHXH đều đạt và vượt dự toán Chính phủ giao, tăng so với cùng kỳ 2019. Đến 30/6/2021, số thu BHXH cũng tăng so với cùng kỳ năm 2020.
6 tháng đầu năm 2021, công tác giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN tiếp tục được ngành BHXH Việt Nam đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia theo đúng quy định. Toàn ngành đã giải quyết hưởng mới BHXH hàng tháng cho 38.410 người; 561.570 người hưởng BHXH một lần; hơn 3,5 triệu người hưởng chế độ ốm đau; 340.289 người hưởng mới BHTN.
Trước khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngành BHXH Việt Nam đã tập trung, quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển người tham gia, giảm nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN như: Giao kế hoạch thu, phát triển người tham gia cho BHXH các tỉnh, thành phố; mở rộng hệ thống đại lý thu; rà soát, phân loại các nhóm người chưa tham gia để tập trung khai thác, trong đó chú trọng vào các nhóm tiềm năng; tăng cường thanh tra chuyên ngành, đột xuất đối với doanh nghiệp nợ, chậm đóng…
Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của ngành cũng tiếp tục được đẩy mạnh; phương thức hoạt động được đổi mới theo hướng phục vụ, nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2021, BHXH Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố linh hoạt trong tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT nhằm đảm bảo quyền lợi cho người hưởng như: Xây dựng phương án chi trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng/chi trả tại nhà đối với địa bàn bị phong tỏa; tổ chức việc kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mãn tính với thời gian dài hơn (tối đa 3 tháng); đảm bảo thanh quyết toán đầy đủ chi phí KCB BHYT liên quan đến dịch Covid-19; chuyển tuyến, hẹn tái khám phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương; đẩy mạnh giao dịch điện tử… góp phần hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo việc giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, toàn ngành BHXH Việt Nam cần phải tiếp tục nỗ lực, sáng tạo hơn nữa để tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao.
Trong đó, BHXH các tỉnh, thành phố phải nhanh chóng tham mưu với chính quyền địa phương để kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện về triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT, xây dựng “bức tranh” về người có tiềm năng nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn để có kế hoạch truyền thông, vận động hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt; thực hiện đồng bộ các giải pháp để vừa đảm bảo quyền lợi người tham gia, vừa kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, thực hiện đúng dự toán được Chính phủ giao năm 2021.
Đặc biệt, toàn ngành tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC; mở rộng cung cấp các DVC trực tuyến mức độ 4; tích hợp, cung cấp thêm các DVC của ngành trên Cổng DVC Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Hoàn thiện, bổ sung các tính năng, tiện ích, dịch vụ trên ứng dụng VssID; đẩy mạnh giao dịch điện tử, ứng dụng VssID nhằm giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp, góp phần cùng cả hệ thống chính trị phòng chống dịch Covid-19.