“Phải hoàn thành chỉ tiêu thi hành án, có kế hoạch giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, trong đó đặc biệt lưu ý các vụ án tham nhũng, nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh như vậy khi làm việc với Bộ Tư pháp ngày 16/6.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc.
Phát hiện 40 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bộ Tư pháp cho biết, tính đến ngày 10/6/2016, Bộ đã có ý kiến thẩm định đối với 127 văn bản quy phạm pháp luật
Qua tiến hành kiểm tra 1.185 văn bản, Bộ Tư pháp bước đầu phát hiện và thông báo kiểm tra đối với 40 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; tham gia ý kiến đối với 322 thủ tục hành chính tại 47 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, đề nghị không quy định 50 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 250 thủ tục không hợp lý.
Liên quan đến công tác thi hành án dân sự, trong 526.562 việc có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 296.041 việc, tăng 18.302 việc; trong số có điều kiện thi hành hơn 100.600 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 14.083 tỷ đồng, tăng hơn 2.986 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khẳng định sẽ thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ, và lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động.
Tích hợp tinh gọn hệ thống pháp luật
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Tư pháp cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế, tích hợp tinh gọn và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của nhân dân và thực tiễn xã hội đảm bảo tính khả thi để thể chế thực sự là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với yêu cầu xây dựng Chính phủ kiến tạo phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
“Tôi đặc biệt nhấn mạnh đến công tác quản trị pháp luật, tiếp tục đổi mới công tác lập pháp và cải cách tư pháp theo yêu cầu và các nguyên tắc của nhà nước pháp quyền XHCN gắn với cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng lưu ý, cần chủ động tham mưu Chính phủ xây dựng kế hoạch lộ trình phù hợp để thực hiện bước chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang trọng tâm là tổ chức và thi hành pháp luật.
Hoàn thành chỉ tiêu thi hành án, có kế hoạch giải pháp để giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, trong đó đặc biệt lưu ý các vụ án tham nhũng, nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, Bộ Tư pháp thực hiện tốt công tác tiếp công dân, và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở nhằm hạn chế xảy ra hạn chế khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, làm phức tạp tình hình.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp; xã hội hóa với lộ trình phù hợp việc cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực bộ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý.