Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII vừa qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh đã thể hiện quyết tâm đề nghị Chính phủ cho dừng (chấm dứt) Dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Sau khi bóc đất tầng phủ, Dự án mỏ sắt Thạch Khê “đắp chiếu” từ tháng 7/2011 đến nay.
Quá nhiều tồn đọng
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã tiếp thu, giải đáp những vấn đề cử tri cả tỉnh quan tâm. Trong đó, ông Khánh dành khá nhiều thời gian nói về về Dự án mỏ sắt Thạch Khê, vấn đề mà nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cũng như dư luận đặc biệt quan tâm trong suốt 2 năm qua.
Ông Đặng Quốc Khánh khẳng định: Sau 8 năm triển khai, Dự án mỏ sắt Thạch Khê gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Bên cạnh đó, đời sống nhân dân các xã bãi ngang của huyện Thạch Hà cũng phải hứng chịu, gặp nhiều khó khăn khi chủ đầu tư triển khai Dự án. Chính vì vậy, cuối năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh xem xét nghiên cứu lại dự án này. UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã đề nghị Liên hiệp hội các nhà khoa học Việt Nam; nhóm tư vấn gồm những giáo sư, tiến sĩ, nhà kinh tế, con em Hà Tĩnh tham gia đánh giá lại Dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Sau khi đánh giá xong, UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng cho phép kiến nghị dừng Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Tại diễn đàn kỳ họp, ông Khánh phân tích: “Lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa có giải pháp liên quan đến hang caster thông ra biển. Mỏ sắt Thạch Khê gắn với các vỉa đá vôi có nhiều trầm tích, có các hang caster thông ra biển nhưng lại không có giải pháp xử lý khi đào xuống. Khi đổ thải ra biển ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các nguồn tài nguyên, lưu vực dòng chảy, việc này cũng chưa được nghiên cứu. Trong khi đó, việc tính làm cảng biển cũng gặp trở ngại bởi ở khu vực này là biển ngang làm sao xây dựng được cảng biển”?.
Ngoài ra, theo ông Khánh, vấn đề sa mạc hóa cũng chưa được tính toán kỹ, một ngày đêm bơm ra khoảng 800 nghìn m3 nước thì việc tụt nước ngầm và sa mạc hóa sẽ thế nào? Chỉ xét sa mạc hóa trong phạm vi 4 km mà không tính đến khu vực TP Hà Tĩnh (cách mỏ sắt Thạch Khê 6km). Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) năm 2013 cũng chưa đánh giá đến việc tác động của quá trình tuyển quặng, trong quặng có những tạp chất gì, tuyển quặng ra như thế nào, ô nhiễm ra sao…? Hà Tĩnh là trung tâm của bão, thường xuyên hứng chịu các trận siêu bão nhưng Dự án cũng chưa lường đến biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, sắt Thạch Khê có đặc điểm khác với các mỏ sắt khác là hàm lượng kẽm lên tới 0,071%, điều này cũng chưa có phương án cụ thể. Dự án chưa tính tới việc vận chuyển bằng gì, phương thức nào. Nếu vận chuyển không có phương án sẽ hỏng hết hệ thống đường giao thông…
Ông Khánh cũng phân tích khá kỹ về hệ quả của Dự án đối với dân sinh. Theo đó, khu vực tái định cư ít nhất là phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; vấn đề lao động, việc làm, đời sống của người dân vùng ảnh hưởng… cũng chưa nêu cụ thể.
Giải quyết dứt điểm trong Quý I-2018
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Gần đây, Ban Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã làm việc với Bộ Công thương, Bộ TN-MT, báo cáo rõ những bất cập, tồn đọng của Dự án. Lãnh đạo 2 Bộ cũng đã đồng ý xem xét, đánh giá lại Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Theo ông Khánh, ngày 28/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các bộ, ban, ngành cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Trong khuôn khổ cuộc làm việc này, các bên liên quan đã khẳng định Dự án còn quá nhiều bất cập, xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan, cả khách quan và cần đánh giá một cách khách quan, khoa học.
“Cách đây khoảng 1 tháng, chúng tôi nhận được 1 văn bản của Tập đoàn Hòa Phát, đề nghị chúng tôi mua 5 triệu tấn quặng. Mua 5 triệu tấn quặng để làm gì? Như Dự án Formosa 7,1 triệu tấn thép/năm đã phải đầu tư 11 tỷ USD. Bây giờ chỉ bằng 1 văn bản mà yêu cầu chúng tôi tiêu thụ cho ông 5 triệu tấn!?” - ông Khánh cho biết.
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cũng báo cáo với các đại biểu về kết luận mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về Dự án mỏ sắt Thạch Khê. Theo ông Khánh, trong kết luận của Thủ tướng cũng nêu là hiệu quả kinh tế - xã hội của Dự án chưa rõ ràng; hiệu quả đầu tư phải tính toán lại; hạ tầng chưa đáp ứng được; năng lực tài chính của chủ đầu tư chưa đảm bảo, năng lực quản trị cần phải xem xét; Dự án còn nhiều rủi ro về môi trường; báo cáo ĐTM chưa tính toán đến biến đổi khí hậu và chưa đề cập đến hạng mục tuyển quặng; công nghệ khai thác, thị trường tiêu thụ, giải pháp kỹ thuật cần phải tính toán lại… Thủ tướng cũng giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học - Công nghệ và UBND tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu, đánh giá lại và phải làm xong trong Quý I-2018.
Trong điều kiện nếu dừng Dự án cũng phải có phương án, giải pháp thực hiện việc dừng Dự án, xây dựng phương án đối với chủ đầu tư và sự phát triển kinh tế của vùng ảnh hưởng. Sau đó báo cáo với Thủ tướng và Thủ tướng sẽ báo cáo với Bộ Chính trị để quyết định.