Ngày 31/8, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân- người đứng đầu MTTQ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ cho người dân 4 tỉnh miền Trung đang gặp khó khăn vì sự cố môi trường biển từ việc xả thải của Formosa tại Hà Tĩnh. Và, mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trun
Ngư dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chưa nhận được hết tiền bồi thường.
Trong văn bản của Chính phủ đã nhấn mạnh: Về công tác xác định, thống kê, bồi thường thiệt hại, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản liên quan, đảm bảo các nguyên tắc đã xác định như công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, không để xảy ra tiêu cực.
Về đối tượng được bồi thường thiệt hại, thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số: 204/TB-VPCP ngày 28/7/2016, 231/TB-VPCP ngày 12/8/2016, 259/TB-VPCP ngày 29/8/2016.
Về định mức bồi thường áp dụng chung, trên cơ sở báo cáo của 4 địa phương, Bộ Tài chính cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tổng hợp, xây dựng định mức bồi thường thiệt hại áp dụng chung cho 4 tỉnh trình trước 20/9/2016 như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại Thông báo số 231/TB-VPCP.
Nhưng, có một điều quan trọng là muốn bồi thường để nhân dân sớm ổn định cuộc sống thì bản thân UBND các tỉnh chịu thiệt hại phải khẩn trương hoàn thành công tác kê khai, thống kê thiệt hại theo đúng tiến độ đã đề ra, trường hợp có khó khăn về yếu tố khách quan thì chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 20/9. Hôm nay đã là ngày 22/9, cũng có nghĩa là đã qua hạn cuối mà Chính phủ đốc thúc tới các địa phương.
Giải quyết dứt điểm việc đền bù thiệt hại theo đúng tiến độ và yêu cầu đề ra không chỉ đáp ứng mong mỏi của nhân dân. Với người đi biển thì việc để tàu cá nằm bờ suốt 5 tháng qua là một tổn thất lớn về kinh tế. Bên cạnh đó, giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại trong bối cảnh tiền đền bù đã có sẽ thể hiện bằng hành động những việc làm của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong chăm lo đời sống nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần nêu quan điểm: Tập trung giải quyết dứt điểm việc bồi thường thiệt hại, hỗ trợ ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho người dân; khắc phục hậu quả sự cố môi trường, phục hồi môi trường biển, triển khai lắp đặt các trạm quan trắc giám sát môi trường biển thường xuyên.
Kể từ tháng 4 năm nay, ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển miền Trung, trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, vấn đề này đã được Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đề cập nhiều lần theo hướng, giải quyết sớm, dứt điểm các vấn đề nảy sinh sau sự cố trong đó có việc bồi thường thiệt hại. Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, vấn đề này cũng đã được nhắc đến. Còn trước đó, vào ngày 24/8, Chính phủ đã công bố thành lập BCĐ về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường.
BCĐ này do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm trưởng ban. Trong vòng chưa đến 1 tháng, BCĐ đã chính thức đốc thúc những vấn đề liên quan đền bồi thường thiệt hại cho ngư dân theo hướng: Nhanh chóng thực thi, ổn định đời sống và quan trọng là sự tham gia của các đoàn thể cũng như cơ quan quản lý nhằm kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác này, không để xảy ra tiêu cực, xử lý nghiêm các vi phạm xảy ra.
Đó là nói về quan điểm chủ trương trong bồi thường thiệt hại cho bà con nhưng để đảm bảo một môi trường biển an toàn cho phát triển kinh tế; một môi trường sống xanh và sạch cho bà con ngư dân, BCĐ cũng đã đưa ra nhiều yêu cầu với các bộ, ngành như: Hỗ trợ thiệt hại, cần một đề án chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì nhưng trên cở sở đề xuất của các Bộ về chính sách hỗ trợ thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, đảm bảo mục tiêu hỗ trợ là để phục hồi, phát triển sản xuất; tập trung vào đào tạo nghề, dạy nghề, khởi nghiệp, phát triển đội tàu…
Bên cạnh đó, các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất cụ thể về việc miễn học phí, miễn tiền bảo hiểm y tế cho những đối tượng bị ảnh hưởng. Vẫn trên cơ sở đảm bảo công bằng, không để xảy ra khiếu nại, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Rồi, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, lắp đặt hệ thống các trạm quan trắc môi trường biển; tiếp tục lấy mẫu giám sát; chủ trì, phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng, thống nhất kịch bản, phương án công bố chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hải sản khai thác.
Điều này cũng đã từng được Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8. Trong đó, người đứng đầu Mặt trận đề nghị: Chính phủ quan tâm một số nội dung liên quan đến đời sống nhân dân như việc, ngành giáo dục cần có chủ trương với gia đình người dân gặp khó khăn đột xuất, chỉ cần xác nhận thì được miễn giảm học phí. Và, Chủ tịch MTTQ Việt Nam cũng đã nêu quan điểm: Khó khăn của bà con còn kéo dài từ đây đến cuối năm. Vì thế, Chính phủ nên công bố chương trình hỗ trợ lương thực cho bà con từ nay đến hết năm để bà con ngư dân ở các vùng an tâm...
Như vậy là, kể từ sau sự cố môi trường và nhất là từ sau khi xác định rõ nguồn gốc sự cố, buộc được Formosa bồi thường thiệt hại, Chính phủ đã bắt tay vào việc xác định thiệt hại. Thế nhưng, các địa phương cũng cần đồng hành với Chính phủ trong việc nhanh chóng thống kê thiệt hại để tiền hỗ trợ đến tay người dân sớm ngày nào dân đỡ khổ ngày ấy.
Cùng với đó, việc giám sát kê khai, giám sát hỗ trợ để không ai chịu thiệt; không ai kêu ca về sự thiếu công bằng trong hỗ trợ đền bù cũng là việc làm rất quan trọng. Bởi nó không chỉ thể hiện sự công tâm, khách quan của các cơ quan công quyền mà nó còn thể hiện tinh thần làm việc minh bạch, vì dân của bộ máy chính quyền các cấp.
Chỉ có sự công tâm, khách quan, minh bạch, nhanh chóng và quyết liệt trong việc thực hiện bồi thường hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng bởi sự số môi trường biển mới là minh chứng rõ nhất cho tinh thần hành động; cho cam kết chính trị của chính quyền là “lời nói đi đôi với việc làm”. Điều đó có ý nghĩa quan trọng, góp phần đem lại niềm tin cho nhân dân.