Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã đi được nửa chặng đường. Tại khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ việc triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình đã từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Chỉ hơn chục năm trước đây, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân các DTTS nói chung và đồng bào Dao nói riêng trên địa bàn xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo xấp xỉ 40-50%. Tại nhiều thôn bản, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống trường, trạm, cơ sở vật chất còn thiếu thốn.
Ông Đặng Hồng Quân - người có uy tín đồng bào dân tộc Dao, thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) nhớ lại, quãng thời gian từ năm 2010 trở về trước, đời sống của người dân cứ mãi luẩn quẩn với đói nghèo. Nhưng chỉ sau gần 15 năm, đời sống của đồng bào các dân tộc đang đổi thay từng ngày. Từ các chương trình, dự án có hiệu quả, như chương trình xóa đói giảm nghèo, chương trình xóa nhà dột nát, chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, chương trình MTQG 1719, đồng bào các dân tộc đã được hưởng lợi rất nhiều.
“Từ những chương trình, dự án của Nhà nước người dân đã thay đổi tư duy, nhận thức, cách nghĩ, cách làm. Đồng bào các DTTS đã có cuộc sống ấm no hạnh phúc, cơ sở vật chất đầy đủ với đường giao thông được bê tông hóa, trạm y tế, trường học được xây dựng khang trang. Bà con đã dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong việc tổ chức ma chay, cưới hỏi, thực hiện nếp sống văn minh” - ông Quân chia sẻ và cho biết từ một làng quê nghèo, đến nay số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Quân cho biết, đồng bào các DTTS mong muốn, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Cùng với đó cần triển khai tập trung, có trọng điểm, đặc biệt là đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, đường liên thôn, liên xã, liên huyện, tỉnh lộ để đồng bào các dân tộc có điều kiện giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ ở Yên Bái, tại khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ việc triển khai đồng bộ các dự án của Chương trình MTQG 1719 đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Như tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), từ những nguồn lực đầu tư của Chương trình, đồng bào các DTTS đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, như mô hình chăn nuôi gia súc, trồng cây quế, cây sa nhân.
Ông Sừng Sừng Khai - người có uy tín đồng bào dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) chia sẻ, những năm qua với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững. Đến nay, đồng bào các DTTS đã chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Trên địa bàn xã đã hình thành các mô hình chăn nuôi với trên hàng trăm con trâu, bò, các mô hình trồng cây dược liệu bước đầu mang lại hiệu quả giúp người dân có thu nhập ổn định.
Tuy nhiên, điều ông Khai còn lo lắng là giá trị hàng hóa nông sản còn thấp, đầu ra còn bấp bênh khiến đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Ông mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào các DTTS phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là có các chính sách trợ giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo về phương thức sản xuất, kinh doanh để bà con khai thác hiệu quả đất đai, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp xúc với đồng bào các DTTS vùng Trung du và miền núi Bắc bộ năm 2023, ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện nay, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan đang tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại các địa phương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh kỳ vọng, trong thời gian tới, với việc triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 tại cơ sở sẽ giải quyết những khó khăn, bức thiết nhất cho đồng bào DTTS ở những khu vực, địa bàn khó khăn nhất.