Bằng những cách làm sáng tạo, việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo ở quận Bình Thạnh (TPHCM) đã đạt kết quả đáng ghi nhận.
“Công nghệ hóa” trong tiếp dân
Gần một năm trước, quận Bình Thạnh đã đưa vào áp dụng phần mềm quản lý đơn thư, đồng thời lắp đặt hệ thống camera theo dõi việc tiếp công dân của cán bộ, công chức. Từ đó, quá trình tiếp công dân được tổ chức có kế hoạch, linh hoạt và thân thiện, tạo sự tin tưởng cho công dân khi nêu ra các vấn đề khiếu nại, tố cáo (KNTC).
Trong buổi giám sát của MTTQ TPHCM về thực hiện Luật Tiếp công dân và công tác giải quyết KNTC mới đây, Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Uỷ viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Uỷ ban MTTQ thành phố đánh giá, các mô hình trên là một thành tựu rất tốt của quận Bình Thạnh. Việc áp dụng các mô hình sáng tạo như vậy đã giúp giảm thiểu thủ tục phức tạp, tăng tốc độ xử lý và nâng cao tính minh bạch trong quy trình giải quyết KNTC.
“Hiệu quả của mô hình này cũng được thể hiện thông qua việc tăng cường sự tương tác giữa UBND quận và cộng đồng, đã tổ chức các buổi gặp gỡ, hội thảo, hoặc các hoạt động giao lưu với công dân để lắng nghe ý kiến, góp ý và tạo động lực cho các hoạt động chung” - ông Hậu nhấn mạnh.
Bà Triệu Lệ Khánh - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Bình Thạnh cho biết, bên cạnh việc tiếp dân của UBND, Quận ủy đã có chỉ đạo kịp thời triển khai kế hoạch. Định kỳ hàng quý, dưới sự chủ trì của Bí thư Quận ủy, khi có những vấn đề phát sinh được xử lý kịp thời; tăng cường gặp gỡ đối thoại, từ đó cũng góp phần giảm đơn thư khiếu nại, nhất là đơn thư nặc danh. Tiến hành kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở Đảng, phối hợp với các cơ quan thông qua vai trò của Mặt trận và Hội Luật gia. Từ thông tin trên giải quyết rốt ráo.
Trong khi đó, ông Trần Hữu Nghĩa - Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ TPHCM đặt vấn đề: Trong số 194 công dân rút đơn, có bao nhiêu trường hợp tự rút đơn, bao nhiêu trường hợp cán bộ tiếp dân giải thích thỏa đáng những vướng mắc của người dân? Theo ông Nghĩa, nếu công tác tiếp dân, tuyên truyền về pháp luật tốt mà người KNTC tự rút đơn thì rất hay, cần phát huy.
Xử lý nghiêm người cố ý tố cao sai sự thật
Ông Nguyễn Trọng Hiếu - Trưởng phòng xử lý đơn Ban Tiếp công dân TPHCM cho rằng, quy định về xử lý các hành vi vi phạm của người tố cáo sai sự thật, lợi dụng gây rối sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, nhưng trên thực tế những sai phạm đó ít bị xử lý, nhất là sự việc có dấu hiệu vi phạm hình sự. Một trong những nguyên nhân cơ bản, theo ông Hiếu là do người bị tố cáo sai sự thật ít hoặc không tố cáo ngược lại người vu khống. Hiện cũng chưa có hướng dẫn thật cụ thể, ví dụ như xử lý như thế nào, ai xử lý? Nên các cơ quan có thẩm quyền cũng lúng túng, khó thực hiện.
Bàn về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, việc công dân tiếp tục cố ý đeo bám vụ việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, gây khó dễ và cản trở hoạt động của cơ quan Nhà nước là hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định tại khoản 4, khoản 7 và khoản 8 Điều 6 Luật Tiếp công dân 2013. Theo ông Hậu, đối với các trường hợp vi phạm này, luật đã trao cho người tiếp công dân quyền yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, lập biên bản và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Cá nhân có hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức sẽ bị xem xét xử phạt hành chính với mức phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. Trường hợp nghiêm trọng, chủ thể vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “tội gây rối trật tự công cộng”.
Luật sư Hậu đề xuất, cần bổ sung quy định về ủy quyền trong tổ chức đối thoại là phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên với tính chất là cơ quan hành chính nhà nước thì nên luật hóa việc tổ chức đối thoại dưới hình thức là phân công cấp phó hoặc thủ trưởng cơ quan chuyên môn, hình thức ủy quyền có thể được sử dụng trong bộ máy doanh nghiệp nhằm phân biệt rạch ròi giữa tính công và tư của các loại hình đơn vị.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM mong muốn quận Bình Thạnh tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến công tác tiếp công dân, giúp dân xử lý đơn KNTC, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giải tỏa đền bù rạch Xuyên Tâm trên địa bàn. Việc này cần thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật để hạn chế KNTC. Cần tổ chức tốt việc lắng nghe ý kiến nguyện vọng nhân dân, cán bộ không đùn đẩy, làm hình thức. “Thực hiện giám sát cán bộ trong việc tiếp dân, giải quyết hiệu quả KNTC” - bà Thúy nói.
Từ 1/1/2023 - 30/4/2024, quận Bình Thạnh (TPHCM) thực hiện tiếp trên 2.200 lượt công dân, với gần 2.300 vụ việc. Cụ thể, Chủ tịch UBND quận có 48 buổi tiếp, các Phó Chủ tịch UBND quận có 36 buổi tiếp. Trong gần 2.100 đơn đủ điều kiện xử lý, có hơn 1.200 đơn thuộc thẩm quyền UBND quận. Riêng 855 đơn không thuộc thẩm quyền UBND quận đã chuyển đến 20 phường và cơ quan khác giải quyết. UBND quận đã giải quyết đúng hạn trên 1.100 đơn, đạt tỷ lệ trên 98%.