Giải thưởng Kovalevskaia 2015: Những nghiên cứu thiết thực với đời sống

Thu Hương 07/03/2016 07:05

Sáng 6/3, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Giải thưởng Kovalevskaia và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao giải Kovalevskaia 2015 cho 2 nhà khoa học nữ.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao giải thưởng danh giá này cho 2 nhà khoa học nữ là TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo- Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy TP HCM và PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, nguyên Trưởng phòng Phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vì những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc của họ. Dưới đây là chân dung một trong hai nhà khoa học đó.

Ở tuổi 64, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đã có hơn 160 công trình được công bố trên các tạp chí trong nước và quốc tế, trong số đó phần lớn là những nghiên cứu mang tính thực tiễn cao, giúp cho môi trường Việt Nam sạch hơn, sức khoẻ con người Việt Nam tốt hơn.

Được đào tạo bài bản chuyên ngành sinh học ở nước ngoài, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà tốt nghiệp trường ĐH Tổng hợp Azecbaijan (Liên Xô cũ), sau đó lấy bằng Tiến sĩ sinh học tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary. Trong thời gian 10 năm từ năm 1985-1995, chị làm việc với tư cách là cộng tác viên khoa học, nghiên cứu và giảng dạy di truyền phân tử tại hai nước Hungary và Áo. Người phụ nữ sinh năm 1952 này đã quyết định về nước sau 10 năm tu nghiệp ở nước ngoài.

Lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà là công nghệ sinh học. Từ khi về Việt Nam, chị tập trung nhiều nhất vào công nghệ sinh học môi trường là lĩnh vực mà thực tiễn Việt Nam đòi hỏi cấp thiết. Hiện chị làm chủ nhiệm gần 30 đề tài, dự án, nhánh đề tài các cấp, công bố hơn 160 công trình khoa học và công nghệ trong và ngoài nước.

Trong đó, công trình tiêu biểu của chị là đề tài nghiên cứu về công nghệ phân hủy sinh hoc (bioremediation) nhằm làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau. Hoàn thành và đưa vào ứng dụng từ năm 1998, cho đến nay công nghệ này vẫn được áp dụng hiệu quả tại 5 kho dầu lớn nhất miền Bắc của Công ty Xăng dầu B12.

Nghiên cứu thành công khác của PGS. TS Đặng Thị Cẩm Hà là tìm ra công nghệ xử lý loại màu thuốc nhuộm hoạt tính bằng tổ hợp của các enzyme laccase. Công nghệ này có thể xử lý hầu hết các màu thuốc nhuộm hoạt tính tổng hợp và thương mại hiện đang sử dụng để nhuộm vải ở Việt Nam đều được loại bỏ ở các mức độ khác nhau từ 20-96% trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, công nghệ này còn xử lý cả các chất ô nhiễm nồng độ thấp giúp bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Đặc biệt, bà cùng với các cộng sự dành hơn 10 năm miệt mài nghiên cứu chuỗi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Đà Nẵng và Biên Hòa bằng công nghệ phân hủy sinh học (bioremediation). Đề tài “Quy trình xử lý đất ô nhiễm dioxin bằng phương pháp phân huỷ sinh học” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Bằng độc quyền sáng chế…

Với sáng chế này, bà cũng đã được nhận Huy chương Vàng tại Triển lãm quốc tế sáng chế của phụ nữ tổ chức tại Hàn Quốc năm 2011. Hiện trên thế giới chưa có một công bố nào về khử độc đất nhiễm chất dioxin có hiệu quả bằng công nghệ sinh học và thực hiện ở hiện trường quy mô lớn như ở Việt Nam.

Luôn tâm niệm cống hiến hết mình cho khoa học, PGS.TS Cẩm Hà quyết tâm theo đuổi những đề tài có ứng dụng thiết thực trong đời sống, tránh những nghiên cứu đắp chiếu, xếp kho với mong muốn góp phần phát triển nền khoa học, công nghệ nước nhà. Không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhiều lúc nản lòng chị lại tự động viên mình và các đồng nghiệp cố gắng vượt qua khó khăn. Nhất là với những đề tài dài hơi mà thời gian nghiên cứu tính bằng cả chục năm như công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin thì không phải ai cũng đủ kiên trì để theo đuổi đến cùng.

Nhưng vì những người đã ngã xuống trên chiến trường và bao nạn nhân chiến tranh bị phơi nhiễm chất độc còn đang ngày đêm vật lộn với cuộc sống mà chị không cho phép mình bỏ dở. Sự nghiêm túc trong nghiên cứu, đã quyết định làm là làm đến cùng chính là yếu tố làm nên thành công của PGS.TS. Đặng Thị Cẩm Hà.

Bên cạnh niềm đam mê với khoa học, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà còn dành nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo cán bộ trẻ. Đến nay, chị đã tham gia đào tạo nhiều nghiên cứu sinh, thạc sĩ, sinh viên cho nhiều trường ĐH với mong muốn góp thêm cho nền khoa học Việt Nam những nhà khoa học trẻ cống hiến hết mình vì sự phát triển của đất nước.

Từ khi thành lập năm 1985 đến nay, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia của Việt Nam đã lựa chọn và trao giải thưởng cho 17 tập thể và 44 cá nhân là nhà khoa học nữ xuất sắc của Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2016, Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam quyết định mỗi năm sẽ trao học bổng cho 1 nữ sinh chuyên Toán, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội để động viên các em tiếp tục con đường nghiên cứu Toán học ngay từ những năm học THPT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giải thưởng Kovalevskaia 2015: Những nghiên cứu thiết thực với đời sống