Vào ngày 24/3, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh (thuộc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại TP HCM. Trải qua 8 mùa trao giải, với tiêu chí là chủ động đi tìm người xứng đáng để tôn vinh, giải thưởng này luôn thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Nhạc sư Vĩnh Bảo được tôn vinh ở mùa giải lần thứ 8. Ảnh tư liệu.
Người được tôn vinh làm nên thương hiệu của giải thưởng
Bắt đầu từ mùa giải lần thứ 8- 2015, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được ấn định tổ chức thường niêm nhằm đúng vào ngày sinh của nhà văn hóa Phan Châu Trinh (24/3). Mọi thông tin về giải thưởng được BTC khẳng định là sẽ bí mật đến phút chót.
Cũng như mọi năm, mùa giải lần thứ 9, Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh sẽ vinh danh cá nhân có những cống hiến xuất sắc trong các lĩnh vực thông qua 4 hạng mục giải thưởng gồm: “Nghiên cứu”, “Vì sự nghiệp Văn hoá - Giáo dục”, “Dịch thuật”, và “Việt Nam học” (hạng mục “Việt Nam học” chỉ dành cho người nước ngoài).
Theo GS.TS Chu Hảo - Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, từ năm 2015, lễ trao giải cũng là ngày để tôn vinh các danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại. Theo ông, kể từ ngày thành lập đến nay, Quỹ luôn thực hiện đúng tôn chỉ mục đích là nâng cao tri thức của dân tộc.
Cho đến thời điểm này thì trường hợp ông Nguyễn Sự được vinh danh năm 2012 ở hạng mục Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục vẫn được coi là đặc biệt. Bởi đó cũng là lần đầu tiên một quan chức cấp thành phố được vinh danh ở giải thưởng này.
Trò chuyện với PV báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Chu Hảo nhấn mạnh: Điều đặc biệt nhất ở Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh chính là việc giải thưởng tự đi tìm chủ nhân để tôn vinh, trao giải. BTC coi mình là người hân hạnh, vinh dự được mang và trao giải thưởng đến những cá nhân xứng đáng với cống hiến của họ. Không hề có chuyện người được nhận giải phải làm đơn đề nghị, hay đơn xin được xét giải thưởng. Và theo như BTC, lý do để đi tìm người xứng đáng nhận giải cũng rất giản đơn. Bởi họ nhận thấy lâu nay có rất nhiều nhân vật có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn hóa (ở nhiều khía cạnh), mà chưa được tôn vinh xứng tầm ở hệ thống giải thưởng chính thống của Nhà nước, vì nhiều lý do.
Theo đó, có thể việc tìm tòi phát hiện và vinh danh những nhân tố mới ở giải thưởng này sẽ mang lại những tranh luận, bởi cái mới thì không thể khẳng định được việc đúng đắn của nó ngay. Vì lẽ đó, việc tự đi tìm người xứng đáng để vinh danh đã chứng tỏ Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được xã hội xác định, tạo uy tín. Nói cách khác, chính những người đạt giải tạo nên uy tín của giải thưởng.
Theo GS Chu Hảo, điều khiến BTC vẫn lấy làm trăn trở nhất chính là việc làm sao để nhân rộng tầm ảnh hưởng xã hội của các tác phẩm, công trình đoạt giải.
Tôn vinh đóng góp của những người đã khuất
Bắt đầu từ năm 2015, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lập thêm “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại”, với 2 mục đích chính: Thứ nhất, là để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại. Thứ hai, là để góp phần phục hưng, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của các danh nhân văn hóa này thông qua các tư liệu/tài liệu mà họ để lại và các tư liệu/tài liệu viết/nghiên cứu về họ.
Nhân dịp trao giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh năm 2015, đã có 3 danh nhân văn hóa đầu tiên được lựa chọn và vinh danh gồm: Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.
Ông Chu Hảo cho hay, khái niệm hiện đại được xác định từ khi có chữ quốc ngữ (khoảng giữa thế kỷ 19) cho đến năm 1945. Vì thế, nếu giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh chỉ tôn vinh những người còn sống thì thật là thiếu sót. Mục đích hướng tới của Quỹ là xây dựng mô hình một bảo tàng tinh hoa giống như ở Pháp: tôn vinh những con người có công lao với dân tộc về mặt giáo dục văn hóa.
Vậy tinh hoa văn hóa ấy là những người như Trương Vĩnh Ký, đến thời Đông Kinh Nghĩa Thục là những người như cụ Phan Chu Trinh- Phan Bội Châu - về sau này là Phan Khôi, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh… Tất cả những con người xứng đáng được tôn vinh trong hạng mục này bởi họ có những đóng góp cho văn hóa Việt Nam hiện đại.
Những ai là người sẽ được tôn vinh ở mùa giải này lần thứ 9 - 2016; cũng như nhân vật nào sẽ được ghi danh vào “Ngôi đền tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại”- cho đến thời điểm này vẫn thực sự nằm trong vòng bí mật. Ban tổ chức đang kỳ vọng, đây không chỉ là nơi để trao giải, mà còn là một diễn đàn sâu sắc về văn hóa và giáo dục.