Sau gần 3 năm phát động, giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 vừa công bố và trao giải thưởng. BTC đã trao hai giải Nhì cho tác giả Yang Phan (tên thật là Phạm Anh Tuấn) với tập truyện dài “Vụn ký ức” và tác giả Duy Ân với truyện ngắn “Nửa lời chưa nói”. Giải Ba thuộc về tác giả Lê Quang Trạng với tác phẩm “Vệt sáng của bụi” và Nguyễn Thu Hằng với tác phẩm “Chuồng cọp trên cao”.
Vượt trội về số lượng tác phẩm
Theo thống kê của BTC, sau 7 kỳ tổ chức Văn học tuổi 20, số lượng tác phẩm dự thi lên đến 2.133. Trong đó, mùa thứ bảy có 511 tác phẩm gửi dự thi, là con số lớn nhất trong các kỳ tổ chức. Bên cạnh các tác giả đã có tác phẩm xuất bản từ trước, giải thưởng cũng thu hút những cây bút mới. Các tác giả đến từ mọi vùng, miền của Tổ quốc, có những người đang học tập, làm việc tại nước ngoài.
Đại diện Ban Chung khảo giải thưởng lần thứ bảy, PGS.TS Ngô Văn Giá cho rằng, nếu nhìn theo hướng phong cách viết, thì trong số 12 tác phẩm lọt vào chung khảo, có thể hình dung hai kiểu dạng văn chương: một kiểu dạng truyền thống Việt Nam và một kiểu dạng toàn cầu hóa.
Kiểu dạng thứ nhất là kết quả của những sống trải, va đập, gắn bó mật thiết với đời sống muôn màu muôn vẻ của chúng sinh ở cả vùng nông thôn lẫn đô thị, ở cả xứ ta lẫn xứ người (Lê Quang Trạng, Nguyễn Thu Hằng, Hoàng Công Danh, Đinh Thành Trung, Hoàng Khánh Duy, Phã Nguyện, Mai Thanh Nga…).
Các cây bút đã đứng trong lòng đời sống cần lao thường nhật để cảm nhận, phân tích và cắt nghĩa trạng thái tồn tại của đời sống này. Trong những trang văn ấy, thấy có nhiều nông nỗi và những phận người đang bấu vào mặt đất này để sống. Qua trang viết, thấy ở các cây bút đã có được một nền tảng nhân đạo tin cậy, một khả năng cảm thông và thấu hiểu con người.
Kiểu dạng văn chương thứ hai ở một số tác giả chủ yếu được cất lên từ văn hóa, từ học vấn, tri thức, từ nghề nghiệp chuyên môn (Duy Ân, Hiền Trang, Yang Phan, Nguyên Nguyên, Nguyễn Dương Quỳnh…). Các tác giả này thạo ngoại ngữ, có một số người đã từng tu nghiệp nhiều năm ở phương Tây, làm chủ một chuyên ngành khoa học nào đó. Họ đã chọn lối thay đổi tư duy nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo.
Trong khi đó, đánh giá trực tiếp về tác phẩm đoạt giải Nhì là “Vụn ký ức” của tác giả Yang Phan, hai vị giám khảo nữ là Phan Hồn Nhiên và Nguyễn Ngọc Tư đều đưa ra nhận định khá ngắn gọn. Giám khảo Phan Hồn Nhiên quả quyết, đó là tác phẩm “vượt trội”. Còn giám khảo Nguyễn Ngọc Tư nhận xét: “Một cuốn sách hay, hấp dẫn, có văn” .
Về tác phẩm cùng đoạt giải Nhì “Nửa lời chưa nói” của tác giả Duy Ân, PGS.TS Nguyễn Thành Thi cho rằng, tập truyện mang lại một cái nhìn có tính phát hiện trước một số vấn đề của đời sống nhưng không chỉ là đời sống của con người, xã hội mà còn là đời sống của ngôn ngữ và văn hoá. Các truyện viết khá nhuần nhị đều tay, tuy đôi lúc hơi nặng về lý trí. Kỹ thuật trần thuật khá linh hoạt, biến hóa, làm cho điều khó hiểu trở nên hấp dẫn.
Ở góc độ khác, PGS.TS Ngô Văn Giá đánh giá tác giả trẻ Duy Ân đã chọn chủ đề khoa học về ngôn ngữ và nhận thức của con người làm đối tượng quan tâm và mô tả. Nhờ lối viết thông minh xen chất trào tiếu nhẹ nhàng, tác phẩm nêu lên những phát hiện bất ngờ như giữa hoạt động ngôn ngữ và hoạt động nhận thức không phải bao giờ cũng xuôi chèo mát mái, mà nhiều khi chênh lệch, bất khả tri, bất khả dụng... Đây là vấn đề về triết học ngôn ngữ, chỉ mới ra đời vào nửa sau của thế kỷ XX và cũng vấn đề mà từ trước đến nay các nhà khoa học và triết học vẫn luôn bận tâm.
Kiến tạo hệ sinh thái “Văn học tuổi 20”
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994 với sự phối hợp của 3 đơn vị: Hội Nhà văn TP HCM, báo Tuổi trẻ, NXB Trẻ, Cuộc Vận động sáng tác Văn học tuổi 20 nay đã bước sang mùa giải lần thứ 7. Kể từ năm 2019, NXB Trẻ là đơn vị tổ chức duy nhất và NXB Trẻ cũng đã đổi tên Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 thành Giải thưởng Văn học tuổi 20.
Bà Phan Thị Thu Hà - Giám đốc NXB Trẻ cho rằng, qua 6 lần tổ chức, cái được lớn nhất của Văn học tuổi 20 chính là sự phát hiện, đánh thức, gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ, góp cho văn đàn một tài sản có ý nghĩa, với hơn 50 tác giả được vinh danh và 63 tác phẩm được trao thưởng. “Những cái tên như: Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Thị Hồng Hạnh, Trương Anh Quốc, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Phong Điệp, Võ Diệu Thanh, Trang Hạ, Nhật Phi… đã tiếp tục khẳng định bút lực và cá tính sáng tạo nhưng cũng đồng thời khẳng định sức sống của một giải thưởng văn học có tên Văn học tuổi 20”, bà Thu Hà nhấn mạnh.
Có thể nói, Văn học tuổi 20 đã tạo ra một “hệ sinh thái” mới mẻ cho văn học Việt Nam trong giai đoạn giao thời giữa thế kỷ XX và thế kỷ XXI. Nhiều tác giả đã được phát hiện từ sân chơi này, và dần khẳng định được tên tuổi. Nhiều tác phẩm được giải thưởng từ Văn học tuổi 20 đã hấp dẫn bạn đọc và gây dư âm.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng nhận định về Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20: “Có thể có những tác phẩm chỉ “đánh ùm một tiếng rồi thôi”, nhưng cái vòng tròn lan rộng từ những tiếng “đánh ùm” đó đã giúp đời sống văn chương có những biến chuyển”. Còn nói như nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, “không có cuộc thi Văn học tuổi 20, có lẽ tôi cũng không biết mình có thể viết”.
Điều đáng quý là bên cạnh các tác giả đã có tác phẩm xuất bản từ trước, có những tác giả kiên trì theo con đường viết lách nghiêm túc. Trong giải thưởng lần này, có người tham gia cuộc thi lần 2, lần 3, bên cạnh đó có cả những cây bút mới mà bản thảo vào chung khảo cũng chính là cuốn sách đầu tay được in.
Sau 7 lần tổ chức, tổng số tác phẩm dự thi là 2.133 tác phẩm, và lần thứ bảy này có số lượng bài dự thi nhiều nhất, với 511 tác phẩm, tất cả thể hiện qua cuộc sống và góc nhìn hết sức phong phú của các tác giả - đa số ở lứa tuổi 9X. Đại diện BTC giải thưởng lần thứ bảy cũng đánh giá, đây là một kỳ giải hết sức đặc biệt, vì đã có 2 trong 3 năm tổ chức - năm 2020, 2021 - chúng ta phải trải qua đại dịch.
“Dẫu biết rằng bất cứ giải thưởng nào cũng phải phân ra thứ hạng cao thấp, nhưng đối với chúng tôi, tất cả các tác giả đều là những người chiến thắng. Các bạn đã chiến thắng những trở ngại trong cuộc sống riêng tư để cất lên tiếng nói của thế hệ mình; các bạn đã cho ra đời những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, tạo nên nhiều đồng cảm nơi người đọc. Chúng tôi vui mừng khi được nhìn thấy một lực lượng cây bút trẻ nhiều khát vọng, đang trưởng thành, có triển vọng sẽ trở thành những tác giả vững vàng trên văn đàn”, bà Thu Hà kỳ vọng.