Tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
1. Sáng ngày 4/10, tại Hà Nội đã khai mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII- một hội nghị mà theo như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại phiên khai mạc là sẽ tập trung bàn về một số vấn đề quan trọng, trong đó có: Tình hình kinh tế - xã hội và tài chính - ngân sách năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán tài chính - ngân sách năm 2018; Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới; Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Những vấn đề lớn bàn trong khoảng 1 tuần hội nghị (dự kiến bế mạc ngày 11 tháng 10); tức là trong một khoảng thời gian khá eo hẹp các đại biểu sẽ phải căng sức làm việc và phải làm việc để đem đến một kết quả tốt nhất, cao nhất. Bởi, hội nghị này là hội nghị cuối năm và sẽ bàn đến định hướng phát triển kinh tế- xã hội của đất nước trong năm kế tiếp trong khi có xem xét đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm 2017. Trong khi năm 2018 đã là năm thứ 3 chúng ta thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng lần thứ XII; cũng có thể hiểu là năm sẽ cần những đánh giá giữa nhiệm kỳ để tìm ra những mặt mạnh, những mặt yếu chưa thực hiện được từ đó tìm hướng đi cho những năm còn lại của nhiệm kỳ khóa XII. Hội nghị vì thế có tầm quan trọng khá đặc biệt đối với sự phát triển của Việt Nam.
“Đây là công việc thường kỳ hằng năm tại các hội nghị cuối năm của Ban Chấp hành Trung ương nhằm rà soát lại tình hình kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách của đất nước, thấy rõ những ưu điểm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, cả hệ thống chính trị; từ đó phát huy mặt tốt, kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những mặt chưa tốt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm đã đề ra.”-Tổng Bí thư đã nói thế để các đại biểu dự hội nghị thấy rõ hơn tầm quan trọng của một công việc thường kỳ, hàng năm nhưng nó lại rất thiết thực với chính mỗi người trong tổng số hơn 90 triệu người dân Việt Nam.
Chỉ rõ nguyên nhân vì sao một số chỉ tiêu đạt thấp hoặc chưa đạt được trong thời gian qua để trên cơ sở đó, dự báo các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua, đặc biệt là những khó khăn, thách thức trong việc khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế; những rủi ro về tài chính - tiền tệ, nhất là khi nợ công, nợ xấu còn cao, nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ. Xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất cho năm 2018; đề ra các chính sách, biện pháp có tính khả thi cao, nhất là các chính sách, biện pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, kiểm soát nợ công; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu. Đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công, các doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực cho phát triển. Từng ấy vấn đề gắn với kinh tế- xã hội không hề ít và không hề dễ dàng đưa ra lời giải nếu không thực sự đầu tư, nghiên cứu, bàn bạc, phân tích thật thấu đáo trong một thời gian nhiều nhất cũng chỉ có 1 ngày. Điều đó đòi hỏi các Ủy viên Trung ương phải thật trách nhiệm trong nghiên cứu, đánh giá và đề xuất.
2. Hai nội dung quan trọng khác được Trung ương đề cập đến cũng là 2 nội dung quan trọng, liên quan mật thiết với nhau, đó là: Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Sở dĩ tại hội nghị này, Trung ương bàn đến “cặp đôi” vấn đề tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập vì đây hiện là một vấn đề nan giải khi biên chế của chúng ta đang ngày càng có dấu hiệu phình to trong khi chuyện công chức cắp ô; chuyện một nhân viên 5 lãnh đạo giờ đã không phải là chuyện hiếm gặp. Trong báo cáo giám sát về thực hiện chính sách pháp luật về cải cách bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011- 2016 mới đây của TVQH đã chỉ rõ: Tỷ lệ công chức giữ chức danh lãnh đạo từ cấp phó phòng trở lên/công chức ở Bộ Công thương là 3/4, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ là 3/5...
Hay như chúng ta đã nói nhiều đến việc giảm đầu mối, giảm các cơ quan thuộc Bộ nhưng kết quả thì sao. Chỉ lấy ví dụ, Bộ Tư pháp, năm 2011 không có một tổng cục nào thuộc Bộ; nhưng đến tháng 7 năm 2016 đã “sinh hạ” được 1 tổng cục. Số vụ thuộc Tổng cục này là 8; số cục là 63; số chi cục là 710; số vụ không phòng là 8. Đó là chưa kể trừ việc bớt đi được một cục (thuộc Bộ) do được nâng cấp lên Tổng cục thì số vụ, số phòng thuộc cục, số phòng thuộc vụ chả thấy bớt đi được phòng nào.
So sánh thời điểm 2011 với tháng 12-2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên (gồm cả hàm) tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5.
Vấn đề là ở chỗ không phải ở đâu mọi việc cũng xuôi chèo mát mái; ở đâu việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp cũng nhẹ nhàng, êm ái và nhanh nhẹn.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên, trong phát biểu khai mạc hội nghị hôm 4/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra nhận định: “tổ chức và biên chế ngày càng phình to; số lượng cấp phó, số người được hưởng chế độ "hàm" không hợp lý; cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều bất cập; số lao động phục vụ gián tiếp quá nhiều trong khi thiếu nhân lực trực tiếp làm chuyên môn nghiệp vụ. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước ở các đơn vị sự nghiệp công và người hoạt động không chuyên trách cấp xã ngày càng nhiều.”
3. Hôm 6/10, trong ngày làm việc thứ ba của hội nghị, Trung ương đã xem xét và bầu bổ sung 2 ủy viên Ban Bí thư là các ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và ông Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Cũng trong buổi sáng ngày 6/10, Trung ương đã dành nhiều thời gian để bàn về trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Không phải là một chuyện vui. Vấn đề của ông Xuân Anh đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận sai phạm vào kỳ họp thứ 17 và 18 của Ủy ban này.
Theo đó, trên cương vị người đứng đầu cấp ủy thành phố, ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ Thành uỷ; cá nhân ông đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; vi phạm tiêu chuẩn cấp uỷ viên; làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Chính vì vậy, sau khi thảo luận và cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bằng hình thức: Cách chức Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; và cho thôi giữ chức Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.
Đây là một nốt nhạc buồn trong công tác nhân sự của nhiệm kỳ XII; nhưng là điều không thể tránh khỏi. Nó cho thấy Đảng ta đang rất nghiêm túc trong việc thực hiện công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.