Ngày 4/2, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, nhiều ý kiến đại biểu đã tập trung thảo luận dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia; bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Cùng tham dự có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia; các đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể; các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX tại 5 điểm cầu là: Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và tỉnh Thanh Hóa.
Tăng số lượng đại biểu Quốc hội khối Mặt trận và các tổ chức thành viên
Nêu quan điểm, ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tán thành chủ trương chủ trương của Bộ Chính trị và tinh thần của UBTVQH về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH theo hướng giảm tỷ lệ đại biểu khối hành pháp và số lượng tăng đại biểu chuyên trách ở Trung ương.
Khẳng định cùng với tăng số lượng đại biểu QH chuyên trách thì tiêu chuẩn của đại biểu cũng phải đáp ứng yêu cầu ngày một cao hơn ông Thường đề xuất tiêu chuẩn ĐBQH phải theo tinh thần mới của Đại hội XIII của Đảng là chọn những người vừa có tâm có tầm dám nghĩ, dám làm, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm.
“Mặt trận với sứ mệnh của mình phải làm sao phải hiệp thương lựa chọn được những người tiêu biểu, những người xứng đáng nhất làm đại biểu QH, đại diện cho nhân dân”, ông Thường đặt vấn đề.
Về tỷ lệ ĐBQH của khối Mặt trận và các đoàn thể Trung ương, ông Đỗ Duy Thường cho rằng, dự kiến của UBTVQH phân bổ 29 người cho thấy số lượng đại biểu của khối này đang giảm đi.
“Nếu trừ cơ cấu cứng của mặt trận Trung ương thì số lượng còn lại của các tổ chức thành viên không nhiều, nhất là đại biểu thuộc lĩnh vực giáo dục, khoa học không nhiều, trong khi đó là lĩnh vực luôn nóng, xã hội luôn quan tâm”. Ông Thường đặt vấn đề đồng thời đề nghị, UBTVQH xem xét điều chỉnh để tăng số lượng phân bổ đại biểu Quốc hội khối Mặt trận và các tổ chức thành viên. Bên cạnh đó trong cơ cấu số lượng tại các địa phương cần tăng số lượng các đại biểu QH trong các tổ chức khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo.
Bày tỏ sự đồng tình, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đánh giá cao việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu QH khóa XV được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng ĐBQH chuyên trách và giảm số đại biểu khối hành pháp.
Về cơ cấu đại biểu Quốc hội ở Trung ương ông Túc cho rằng, cần tránh tình trạng cào bằng. Như cơ cấu của khối Mặt trận đoàn thể trong khóa này giảm chỉ có 29 người, ông Nguyễn Túc khẳng định Nghị quyết Đại hội XIII rất nhấn mạnh đến vấn đề bảo đảm khối đại đoàn kết, bảo vệ lợi ích của dân. Chính bởi vậy, việc giảm ĐBQH khối Mặt trận là không phù hợp.
“Đề nghị Hội đồng bầu cử Trung ương tăng số đại biểu chuyên trách của QH và cán bộ của khối Dân vận, để thể hiện rõ tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh vai trò của dân, thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, ông Nguyễn Túc khẳng định.
Đồng tình với việc tăng số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách ông Nguyễn Túc cho rằng cần đặt ra yêu cầu phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn để các đại biểu QH thực sự là những người có tâm, có tầm, chuyên sâu ở các lĩnh vực.
Đề xuất tăng số lượng ĐBQH là người ngoài Đảng
Nêu ý kiến về dự kiến cơ cấu số lượng đại biểu Quốc hội thuộc khối Mặt trận và các tổ chức thành viên, GS Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch nhận định, MTTQ Việt Nam ngày càng có thêm nhiều tổ chức thành viên nhưng dự kiến số lượng lại giảm bớt đi ở cả Trung ương và địa phương, đó là điều UBTVQH phải tính toán lại.
GS Nguyễn Lân Dũng cũng bày tỏ băn khoăn vì tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng quá thấp.
“Quốc hội là cơ quan đại diện cho dân, nhưng nếu theo dự kiến cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 đến 50 đại biểu chiếm từ 5- 10% là quá thấp. Với tỷ lệ người dân ngoài Đảng hơn 94% thì số lượng đại biểu QH là người ngoài Đảng ít nhất phải là 10%”, GS Dũng nêu ý kiến.
Giáo sư Lân Dũng cũng đề xuất việc tăng số lượng ĐBQH thuộc các tổ chức khoa học, giáo dục, đào tạo (viện nghiên cứu, đại học,học viện..).
“Trong thời điểm của cuộc cách mạng 4.0 và giáo dục là quốc sách mà tỷ lệ đại biểu QH trong tổ chức khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo chỉ là 6 người (chiếm 1,2%) là quá ít và quá thấp", GS. Lân Dũng dẫn chứng và cho rằng, đây là tỷ lệ “không thể chấp nhận được” và đề nghị, điều chỉnh tăng số lượng phân bổ đại biểu trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.
Bày tỏ sự đồng tình, ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ - Kim hoàn - Đá quý Việt Nam cũng đề nghị, UBTVQH xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho nhân dân, thể hiện tiếng nói của người dân.
“Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng, nhưng thực tế dự kiến cơ cấu tỷ lệ đại biểu QH là doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh chỉ chiếm 1,4% là quá ít”, ông Dũng tâm tư và kiến nghị UBTVQH tăng thành phần tiêu biểu đại diện cho những lĩnh vực kinh tế tham gia Quốc hội.
Cũng cho rằng tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng quá thấp, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch cho rằng trong 100 triệu người dân, người tài đức ngoài Đảng rất nhiều. Chính bởi vậy, cần tăng tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng trong Quốc hội lên, đó cũng là mong muốn của nhân dân.
“Tỷ lệ 5-10% đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng là quá thấp. Quốc hội không nên là hội nghị của đảng viên.” Ông Que thẳng thắn nói đồng thời kiến nghị xem xét kỹ về tỷ lệ ĐBQH là người dân tộc thiểu số; đảm bảo tỷ lệ phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử Đại biểu Quốc hội.
Trong ý kiến của mình, ông Trần Đình Thiên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ cũng thẳng thắn cho rằng, cần thay đổi cơ cấu, số lượng, thành phần ĐBQH hiện nay. Trong xu hướng phát triển của đất nước cần tăng số lượng ĐB là doanh nhân, lĩnh vực khoa học, giáo dục, đối ngoại hội nhập vì đó là những lĩnh vực đột phá.
Theo ông Trần Đình Thiên, tới đây là kinh tế trí thức, hội nhập sâu rộng, vì thế những người làm luật phải là những người nằm ở trong các lĩnh vực này. Bên cạnh đó là lực lượng thanh niên, họ là những người tiên phong trong các lĩnh vực đột phá đất nước tới đây, do đó cần tăng tỷ lệ đại biểu trẻ lên”, ông Trần Đình Thiên nói.