Giảm đất trồng lúa, tăng đất trồng rừng

V.Thắng 09/04/2016 10:11

Sáng ngày 9/4, với 86,64% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.

Theo Nghị quyết này, chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thì nhóm đất nông nghiệp sẽ tăng 306,33 nghìn ha, tuy nhiên trong đó chỉ tăng diện tích đối với đất rừng đặc dụng (tăng 87,68 nghìn ha) và rừng sản xuất (tăng 1.135,83 nghìn ha), còn đất rừng phòng hộ, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối đều giảm. Đáng chú ý diện tích đất trồng lúa cũng giảm 52,04 nghìn ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 2 vụ trở lên giảm 92,95 nghìn ha.

Đối với nhóm đất phi nông nghiệp (giảm 100,08 nghìn ha), trong đó ngoài đất xây dựng cơ sở y tế (tăng 7,39 nghìn ha); đất xây dựng cơ sở y tế (tăng 0,91 nghìn ha); đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao (tăng 2,05 nghìn ha), thì còn lại tất cả các loại đất khác đều giảm.

Về chỉ tiêu sử dụng đất, đất ở tại đô thị đến năm 2020 sẽ giảm 3,31 nghìn ha, còn tăng 0,96% đối với đất bãi thải, xử lý chất thải.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Trên cơ sở điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch của các ngành có sử dụng đất để bảo đảm phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải thống nhất chặt chẽ từ cấp quốc gia đến các vùng, các địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước; gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất các vùng kinh tế - xã hội nhằm khai thác thế mạnh, tiềm năng đất đai bảo đảm tính kết nối liên vùng, liên tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt; quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa được. Điều tiết phân bổ nguồn lực bảo đảm lợi ích giữa các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp với các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ lúa hàng hoá tại các địa phương giữ nhiều đất trồng lúa; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất.

Nghị quyết này cũng yêu cầu Chính phủ điều tra, đánh giá thực trạng đất sản xuất nông nghiệp bỏ hoang; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đất đai, chính sách tài chính về đất đai để khuyến khích việc sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, tránh bỏ hoang gây lãng phí đất đai. Tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và tổ chức hiệu quả trồng rừng; bố trí quỹ đất trồng cây xanh trong các khu dân cư, khu đô thị. Xây dựng quy chế, xác định khu vực, công khai diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu, kém chất lượng ở từng địa phương, từng vùng để chuyển sang rừng sản xuất với quy trình trồng, bảo vệ kết hợp khai thác chặt chẽ, vừa bảo đảm mục đích phát triển kinh tế rừng, giải quyết đất sản xuất, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế di dân không theo quy hoạch vừa góp phần thực hiện chức năng phòng hộ, phòng, chống thiên tai, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Cũng trong buổi sáng với 92,51% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi). Với 92,91% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn công hàm Thoả thuận về cấp thị thực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Công khai quy hoch, kế hoch s dng đt

“Tăng cường điều tra đánh giá về chất lượng, tiềm năng đất đai; đánh giá thoái hóa đất, ô nhiễm đất; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai; đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý đất đai nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo, lập, thẩm định, quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thực hiện thủ tục hành chính về đất đai công khai, minh bạch; bố trí đủ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ cho công tác đăng ký đất đai điện tử, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, bảo đảm việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch”-Nghị quyết nêu rõ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm đất trồng lúa, tăng đất trồng rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO