Nhằm nâng cao năng lực Quỹ Bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Bộ Tài chính vừa đề xuất trong Dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ BLTD cho DNNVV.
Đổi mới phương thức hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng để dòng vốn thông thoáng (Nguồn: VGP).
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến 30/9/2017, cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Quỹ BLTD, tổng số vốn điều lệ của các Quỹ BLTD ước khoảng 1.579 tỷ đồng.
Doanh số bảo lãnh của các Quỹ BLTD lũy kế từ năm 2002 đến ngày 30/9/2017 ước khoảng trên 4.126 tỷ đồng với khoảng trên 2.000 DNNVV được bảo lãnh vay vốn tại các tổ chức tín dụng.
Số dư bảo lãnh đến ngày 30/9/2017 của các Quỹ BLTD ước đạt trên 411 tỷ đồng, số trả nợ thay đạt khoảng 83 tỷ đồng.
Trên cơ sở thực tế triển khai hoạt động bảo lãnh tín dụng qua Quỹ BLTD địa phương, Bộ Tài chính nhận thấy các khó khăn, vướng mắc của các quỹ hiện nay tập trung chủ yếu ở các vấn đề như: Năng lực tài chính của Quỹ BLTD tại các địa phương còn hạn chế, vốn hoạt động bảo lãnh tín dụng thấp, một số Quỹ chưa đáp ứng đủ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật hiện hành; quy mô còn nhỏ, số dư trích lập dự phòng rủi ro của Quỹ thấp chưa đảm bảo bù đắp chi phí khi có rủi ro xảy ra, nguồn thu từ phí bảo lãnh thấp không đảm bảo để thực hiện nhiệm vụ, trong khi rủi ro bảo lãnh cao nên hoạt động của quỹ còn gặp nhiều khó khăn.
Trong quá trình thực hiện hoạt động bảo lãnh tín dụng cho DNNVV đã phát sinh tranh chấp giữa các bên (chủ yếu giữa Quỹ BLTD và ngân hàng thương mại) và đã phải đưa ra Tòa án để giải quyết, xử lý.
Việc tham gia góp vốn điều lệ của tổ chức và cá nhân theo quy định của pháp luật đối với quỹ chưa cao, có một số tổ chức tín dụng tham gia góp vốn điều lệ nhưng với số vốn góp còn rất khiêm tốn.
Trong khi đó, đánh giá chung của các doanh nghiệp hiện nay cho thấy, khó khăn nhất của họ vẫn là tiếp cận vốn tín dụng vì các DNNVV thường không đáp ứng được yêu cầu về tài sản bảo đảm tiền vay.
Do vậy, yêu cầu rà soát, sửa đổi, hoàn chỉnh chính sách để Quỹ BLTD hoạt động có hiệu quả, thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các DNNVV là cấp thiết.
Theo quy định hiện hành, vốn điều lệ của Quỹ BLTD tối thiểu là 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức BLTD tối đa cho một khách hàng được bảo lãnh không vượt quá 15% vốn chủ sở hữu của Quỹ BLTD (tương đương 4,5 tỷ đồng).
Để tăng cường tiềm lực tài chính cho Quỹ BLTD cũng như nhu cầu bảo lãnh tín dụng của số lượng lớn DNNVV chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tại Dự thảo Nghị định mới trong đó quy định mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập Quỹ BLTD địa phương là 100 tỷ đồng. Như vậy, mức BLTD tối đa cho mỗi DNNVV sẽ là 15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để Quỹ BLTD cho DNNVV phát huy hiệu quả, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và dự báo thuộc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần phải tạo ra cơ chế bảo lãnh tương trợ thí điểm với sự tham gia của hiệp hội, thiết lập các điều kiện khung và hỗ trợ trong thời gian đầu, thúc đẩy sự tham gia của tư nhân vào hệ thống bảo lãnh này và dần chuyển giao hệ thống cho doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời cần tạo trách nhiệm chia sẻ rủi ro cho cả các Quỹ BLTD và các ngân hàng thương mại với tỷ lệ tương ứng 80% và 20%.
Với cơ chế này, khi chịu trách nhiệm về khoản vay được bảo lãnh, các ngân hàng thương mại sẽ tăng trách nhiệm kiểm tra, giám sát cho vay và xử lý thu hồi nợ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ các DNNVV có quy định về Quỹ BLTD. Tuy nhiên dù hình thành được nhiều năm nhưng hoạt động còn yếu kém, mới chỉ bảo lãnh cho những doanh nghiệp vay từ quỹ tín dụng còn bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng rất ít.
Nguyên nhân theo ông Hiếu là do cách tổ chức của Quỹ BLTD phân tán về các địa phương, trong khi đáng lẽ ra phải là Quỹ BLTD của quốc gia, và nguồn vốn phải được Quốc hội phân bổ. Do phân tán về địa phương nên ít vốn, chỉ bảo lãnh được vài dự án đã hết nguồn cũng như mức bảo lãnh rất ít.
Cũng theo ông Hiếu, quy trình điều kiện bảo lãnh của Quỹ BLTD cho DNNVV khá khắt khe, tương tự như điều kiện của các ngân hàng thương mại.
Như vậy DNNVV đến đâu cũng bị đóng cửa, đến đâu cũng không được vay vì đòi hỏi phải có thế chấp cho nên họ không vay được. Chưa kể theo quy định các Quỹ BLTD phải bảo toàn nguồn vốn cho nên ít nơi dám cho vay.
“Nếu ta bắt buộc bảo toàn vốn như vậy còn siết chặt hơn các ngân hàng, vì mất vốn bị đi tù thì ai dám bảo lãnh? Cho nên cơ cấu tổ chức Quỹ BLTD phải thay đổi cho hiệu quả, điều kiện được bảo lãnh phải nhẹ nhàng hơn so với các ngân hàng. Chứ siết như ngân hàng thì mọi cửa đều đóng với các DNNVV”- ông Hiếu cho hay.