Ngày 5/9, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 13, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự”.
Trình bày tóm tắt kết quả giám sát, ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, thời gian qua trên cơ sở Luật Giám định tư pháp và các văn bản pháp luật có liên quan, công tác giám định tư pháp trong tố tụng hình sự cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra, truy tố, xét xử, góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, một số loại tội phạm gia tăng và diễn biến phức tạp, do đó số lượng các vụ giám định tư pháp được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng nhiều.
Theo ông Pha, trong quá trình tổ chức thực hiện còn một số tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc cần được các cơ quan có thẩm quyền phân tích, đánh giá, nghiên cứu toàn diện để đề ra phương hướng khắc phục trong thời gian tới. Theo đó qua giám sát cho thấy nhiều tồn tại hạn chế phát sinh chủ yếu do quá trình tổ chức triển khai thực hiện mà không phải do các quy định của luật. Trong đó, nhiều bộ ngành chưa ban hành đủ quy chuẩn chuyên môn theo yêu cầu và đặc thù của ngành, lĩnh vực của mình hoặc một số quy chuẩn chuyên môn chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung để phục vụ giám định tư pháp.
“Đa số các bộ ngành chưa ban hành được quy trình giám định chuẩn ở một số lĩnh vực. Công tác phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong một số trường hợp chưa chặt chẽ thường xuyên, còn có tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”-ông Pha chỉ rõ.
Nguyên nhân theo ông Pha là do một số bộ ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác giám định tư pháp. Chất lượng trưng cầu giám định chưa thực sự bảo đảm, trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong trưng cầu giám định chưa cao. Năng lực trình độ của một số giám định viên còn hạn chế.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, thực tế mọi việc vẫn đang vận hành rất tốt chỉ tồn tại một số hạn chế như trưng cầu giám định của các cơ quan có những yêu cầu không chính xác. Thời gian gần đây nổi lên hiện tượng dường như cơ quan điều tra ở một số địa phương dựa vào kết luận giám định đưa ra kết luận điều tra thay cho hoạt động điều tra chuyên môn. Ông Sơn cũng cho rằng, vướng mắc nhiều nhất là về kinh phí phục vụ công tác giám định và đào tạo giám định viên và đề nghị Quốc hội cần quan tâm hỗ trợ cho các địa phương về vấn đề này.