Sáng 14/7, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa 18, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn nhận được rất nhiều câu hỏi của đại biểu, cử tri trên toàn tỉnh liên quan đến những vấn đề bức thiết của người dân.
Cấp đất sai thẩm quyền tồn tại dai dẳng
Đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh, đại biểu Trần Thị Hoa - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Văn (tổ đại biểu HĐND tỉnh bầu tại Thạch Hà, Hà Tĩnh) đề nghị người đứng đầu ngành cho biết: Tình trạng cấp đất sai thẩm quyền đã xảy ra và kéo dài nhiều năm nay, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Đối với các trường hợp cấp đất sai thẩm quyền hiện chưa được xử lý thì hướng khắc phục như thế nào?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn cho biết, UBND cấp xã là đơn vị cấp đất sai thẩm quyền, vì vậy, chịu trách nhiệm về sai phạm trong nội dung này trước hết là Chủ tịch UBND cấp xã, tiếp đó là cấp ủy, chính quyền cấp xã.
Để tháo gỡ khó khăn, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2005/QĐ-UBND về việc ban hành quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân được giao đất làm nhà ở sai thẩm quyền.
Đối với các trường hợp cấp đất sai thẩm quyền chưa được xử lý, ông Lê Ngọc Huấn dẫn một số quy định chi tiết và khẳng định, các trường hợp cấp đất sai thẩm quyền chưa được xử lý do không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giá vật liệu Hà Tĩnh “neo” cao
Liên quan tới nội dung cử tri phản ánh, giá mua đất của doanh nghiệp tại mỏ cao hơn giá do UBND tỉnh quy định nên doanh nghiệp khó khăn trong thi công, ông Lê Ngọc Huấn cho biết: UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng khảo sát và công bố giá trên cơ sở khảo sát. Hiện nay, giá đất san lấp đang công bố ở mức bình quân từ 52.000 đồng - 56.000 đồng/m3 tùy từng địa bàn và loại đất.
Mức giá này được lấy cơ sở thông tin từ giá niêm yết của các doanh nghiệp, hợp đồng mua, bán, hóa đơn GTGT bán hàng của các doanh nghiệp và các giao dịch trên thị trường. Do vậy, việc phản ánh giá các doanh nghiêp bán vật liệu đất, cát cao hơn giá thông báo là chưa có cơ sở, trừ trường hợp giá doanh nghiệp bán cao hơn giá ghi trên hóa đơn bán hàng nên mới dẫn đến làm sai lệch thông tin thì mới xảy ra trường hợp giá bán thực tế cao hơn giá thông báo.
Nếu có tình trạng nêu trên xảy ra thì nguyên nhân do trong quá trình các doanh nghiệp mua vật liệu xây dựng không yêu cầu đơn vị bán hàng xuất đúng giá bán, dẫn đến không có thông tin chính xác gây khó khăn cho quá trình thực hiện khảo sát ban hành thông báo giá vật liệu xây dựng đối với mặt hàng đất, cát nêu trên.
Chất vấn người đứng đầu ngành TNMT về việc đấu giá mỏ vật liệu, đại biểu Phan Tấn Linh (huyện Nghi Xuân) đặt câu hỏi: Theo trả lời của Giám đốc Sở TNMT, việc cấp mỏ cát xây dựng mới đạt 6% nhu cầu, đất san lấp đáp ứng khoảng 50% nhu cầu. Trong khi đó báo cáo lại khẳng định “cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường xây dựng” - ở đây là có vấn đề. Thực tế, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, làm nhiều lỗ nhiều.
“Đề nghị Giám đốc cho biết, liệu có tình trạng khai thác trái phép hoặc nhập từ các nguồn không rõ ràng không? Giải pháp nào trong thời gian tới có thể đẩy nhanh tiến độ đấu giá mỏ khoáng sản như kế hoạch Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh?” - đại biểu Phan Tấn Linh đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Ngọc Huấn thừa nhận, việc khai thác cát lậu đâu đó là có. Cái này chủ yếu do ở các địa phương tập trung xây dựng nông thôn mới, khai thác cát làm công trình, khi Sở TNMT bắt được thì huyện xin, xã xin nên rất khó xử lý. Ngoài ra, cũng có những trường hợp người dân ở gần sông, bãi bồi xúc một vài xe công nông về xây nhà.
“Cử tri phản ánh là có trách nhiệm của Sở TNMT. Sở xin tiếp thu và đề nghị huyện, xã tiếp tục thực hiện vai trò quản lý nhà nước trên địa bàn để ngăn chặn thực trạng này”, ông Huấn nói.
Liên quan đến việc cấp phép mỏ cát trên địa bàn mới chỉ đáp ứng được 6% nhu cầu, theo Giám đốc Sở TNMT là do nguồn cát ở Hà Tĩnh không nhiều. Toàn tỉnh có 37 mỏ nhưng trữ lượng chỉ được 14 triệu m3.
Giá cát ở Hà Tĩnh cao hơn các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình nguyên nhân một phần tiềm năng cát ở 2 tỉnh trên lớn. “Hiện nay, đất và cát của Hà Tĩnh đắt hơn các tỉnh có thể do quản lý nhà nước chặt quá, không khai thác lậu được dẫn đến giá vật liệu tăng lên”, ông Lê Ngọc Huấn nói.
Lý giải nghịch lý giá cát ở Hà Tĩnh cao hơn Nghệ An và Quảng Bình, ông Huấn cho biết thêm, tại Quảng Bình chỉ có duy nhất 1 mỏ cát đấu thầu, còn lại không đấu thầu. Không đấu thầu không có nghĩa là trái luật. Hà Tĩnh đấu giá mỏ cát có khi tăng lên 40 lần, trong khi ở Nghệ An đấu giá mỏ cát nhiều nhất tăng lên 12 lần. Giá tiền cấp quyền khoáng sản ở Hà Tĩnh 11 nghìn đồng, trong khi Nghệ An chỉ có 3 nghìn đồng, Quảng Bình gần 4 nghìn đồng.
Tỉnh Hà Tĩnh có 74 điểm cát lấy từ nguồn Nghệ An và Quảng Bình, hóa đơn cát ở một số huyện trong tỉnh thực chất là lấy nguồn từ Nghệ An và Quảng Bình.
Ông Lê Ngọc Huấn cũng thừa nhận, thiếu nguồn cát vật liệu xây dựng trong góc độ nào đó vẫn thuộc trách nhiệm của Sở TNMT.
Đối với giải pháp đẩy nhanh tiến độ đấu giá mỏ vật liệu xây dựng, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh thông tin, thực hiện thông báo của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 30/5/2023, Sở đã trình 14 mỏ, trong đó 11 mỏ đất (trữ lượng trên 9 triệu m3); 2 mỏ cát (trên 1 triệu m3) và 1 mỏ đá (trữ lượng 800 nghìn m3).
Hiện UBND tỉnh đã nghe báo cáo về tiến độ một lần, đang giao Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì làm việc các sở, ngành liên quan để rà soát lại tính khả thi của từng mỏ và phù hợp từng vùng miền địa bàn để xem xét. Ngoài các dự án đã trình, Sở TNMT đang tiếp tục rà soát, phối hợp các sở ngành, địa phương cho ý kiến đối với 11 mỏ khác, trong đó có 9 mỏ đất, 1 mỏ cát và 1 mỏ đá với tổng trữ lượng 8 triệu m3.
“Nếu sau kỳ họp HĐND tỉnh, 25 mỏ này đưa vào đấu giá trong quý 3 năm 2023 thì nguồn vật liệu sẽ đáp ứng thoải mái đối với các dự án đã bố trí nguồn vốn và trong tương lai”, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh khẳng định.
Ngoài ra, Giám đốc Sở TNMT Hà Tĩnh Lê Ngọc Huấn còn nhận được hàng loạt câu hỏi liên quan đến xử lý các vấn đề tồn đọng về đất đai, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất có nguồn gốc trước ngày 18/12/1980 cho người dân, chậm định giá tài sản trên đất và phương án sử dụng đất của các sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước...