Vào mỗi dịp học sinh nghỉ hè, số trẻ em bị đuối nước lại gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng bơi không nên là môn học tự chọn, Bộ GDĐT nên tổ chức dạy bơi cho trẻ ngay từ khi trẻ đến trường để giảm thiểu nguy cơ đuối nước.
Những con số nhức nhối
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ lệ trẻ em đuối nước tại Việt Nam hiện nay cao nhất Đông Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển. Ở khu vực nông thôn, tai nạn đuối nước cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị, xảy ra chủ yếu tại cộng đồng, chiếm 77,6% (ao, sông, suối hồ biển, ngã xuống hố ga, hố xây dựng); 15,8% tại gia đình và 6,6% tại nơi khác.
Vào mùa hè, khi trẻ em được nghỉ học và thời tiết nắng nóng khiến những vụ việc đuối nước ở trẻ xảy ra liên tiếp hơn. Tình trạng này cứ diễn ra năm này qua năm khác mà chưa thấy các bộ, ngành, địa phương có giải pháp căn cơ để phòng tránh.
Tại tỉnh Quảng Bình có 54 hồ bơi, riêng huyện Lệ Thủy có 22 hồ bơi trong trường học, tỷ lệ học sinh biết bơi của cấp tiểu học là 85% và THCS trở lên là 95%. Hồ bơi đa phần là xã hội hóa, một số nguồn do UBND xã đầu tư phối hợp với các ban, ngành và giao cho nhà trường vận hành. Mô hình trên cần được nhân rộng tại các địa phương.
Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ tử vong do đuối nước cao một phần do trẻ ít được tiếp cận các chương trình giáo dục kỹ năng chống đuối nước trong nhà trường. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Chương trình hành động của ngành giáo dục về phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2030 theo Chương trình của Chính phủ, tổ chức phát động phong trào tập luyện môn bơi, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Tuy nhiên, khi bơi vẫn chỉ là môn học tự chọn trong nhà trường thì khó để phổ cập bơi ở trẻ em do nhiều phụ huynh vẫn chưa thấy rõ tầm quan trọng của kỹ năng bơi lội đối với trẻ cũng như không phải gia đình nào cũng có điều kiện dạy hoặc đăng ký cho con học bơi.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì (Hà Nội) Phạm Văn Ngát cho biết, theo đề án phổ cập bơi từ năm 2016 đặt mục toàn bộ học sinh tiểu học, THCS được ưu tiên đầu tiên. Mục tiêu là sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 5, các em đều biết bơi. Tuy nhiên, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy và học bơi, phòng, chống đuối nước cho trẻ gần như bị gián đoạn hoàn toàn. Mùa hè này, các nhà trường có bể bơi trong nhà hoặc bể bơi lưu động bằng bạt đều đã khởi động chương trình dạy bơi, phòng, chống đuối nước.
Tuy nhiên, bơi là môn thể dục tự chọn nên không phải phụ huynh nào cũng đăng ký cho con học bơi ở trường. Nhất là với thời gian có hạn, thầy cô môn giáo dục thể chất của của trường cũng phải sắp xếp để mỗi ca nhận tầm 10-12 học sinh để dạy học chất lượng nên với những trường đông học sinh, cần xã hội hóa phổ cập bơi chứ không thể chỉ trông chờ vào lớp học bơi vào mùa hè.
Chị Hoàng Ngọc Anh (Khu đô thị Hồng Hà Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết con chị đã hoàn thành chương trình tiểu học, nên hè này gia đình xác định mục tiêu số 1 là phải dạy bơi cho con. “Bơi lội là môn thể thao rất tốt nên tôi đã đăng ký cho con học ở trường từ hè năm lớp 3, nhưng do dịch bệnh nên bị hoãn liên tục. Năm nay khóa bơi ở trường của con tôi đã được 14 buổi, cháu đã gần như bơi thuần thục, tôi rất yên tâm. Không chỉ là chuyện chứng chỉ bơi để nộp về cho trường THCS mà con cần biết bơi để tự cứu mình và giúp người khác nếu có thể” - chị Anh cho biết.
Khó khăn ở miền Bắc là việc học bơi chỉ diễn ra được chủ yếu vào mùa hè. Với miền Nam, thời tiết ủng hộ nhưng những khó khăn cũng chồng chất. Đơn cử, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm chương trình phổ cập bơi lội cho học sinh từ năm 2010 nhưng thống kê sau 7 năm vẫn chưa hoàn thành mục tiêu 40% trẻ em độ tuổi tiểu học, THCS biết bơi. Nguyên nhân lớn nhất được xác định là do thiếu giáo viên và hồ bơi đủ an toàn.
Vượt khó tìm cách phổ cập bơi
Rất cần đưa bơi lội thành môn bắt buộc trong chương trình giảng dạy ở trường học là vấn đề đã được đặt ra từ lâu nhưng những cái khó của các trường thì ai cũng nhìn thấy. Họ thiếu giáo viên, thiếu kinh phí, kể cả bể dạy bơi cũng không có... Trong khi chưa thể khắc phục ngay những vấn đề này thì trẻ vẫn đi bơi và vẫn đối diện với nguy cơ đuối nước hiện hữu xung quanh, nhất là trong dịp hè.
Nên theo các chuyên gia, rất cần những giải pháp chung tay từ ngành giáo dục, từ chính quyền các địa phương cũng như các cơ quan chức năng. Trước hết, theo thầy Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT Trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội), đó là vấn đề tuyên truyền để phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của môn bơi lội. Thay vì mùa hè chỉ chú trọng đưa con em đến các lớp học thêm về văn hóa, phụ huynh có thể dành thời gian này để con học bơi và trang bị các kỹ năng phòng tránh đuối nước. “Nếu như nhà trường tổ chức được các lớp dạy bơi thì quá tốt. Hoặc phụ huynh có thể liên hệ với các bể bơi gần nhà để đăng ký cho con em theo học” - thầy Hòa nhấn mạnh.
Do môn bơi vẫn đang được xem như một hoạt động ngoại khóa nên dẫn đến tâm lý xem nhẹ môn học này ở một số trường, một số phụ huynh. Ngay cả khi nhà trường mở lớp, vẫn nhiều phụ huynh không cho con em tham gia. Vì vậy, khi quyết liệt đưa bơi trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường với các giải pháp, hướng dẫn cụ thể để các địa phương, nhà trường triển khai thì có thể khả thi.
GS. TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, khi xác định học bơi là môn học bắt buộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hướng dẫn các trường chưa có bể sẽ liên kết với các bể bơi trên địa bàn phường, xã, trung tâm thể dục thể thao quận huyện để tổ chức các lớp dịp hè hoặc sau giờ học chính khóa...
Về phía địa phương phải đẩy mạnh, khuyến khích xã hội hóa xây dựng bể bơi cũng như hỗ trợ kinh phí học bơi đối với học sinh nói chung và miễn phí hoàn toàn đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Với những vùng khó, có thể xin tài trợ bể bơi lưu động bằng bạt để học sinh được dạy bơi bài bản với thầy cô có chuyên môn, kỹ năng thay vì tự bơi ngoài ao hồ rất nguy hiểm.
Trên thực tế, với bậc đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không có yêu cầu cụ thể quy định môn bơi lội là bắt buộc trong chương trình học đại học. Chỉ một số trường đưa môn học này vào nhóm môn giáo dục thể chất bắt buộc.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội:
Cần cụ thể hóa giải pháp
Để tăng tỷ lệ trẻ biết bơi, cần đưa môn bơi vào chương trình chính khóa, tất cả các học sinh khi tốt nghiệp tiểu học là phải biết bơi, có như thế mới phủ rộng tỷ lệ trẻ biết bơi trên địa bàn.
Vấn đề làm cách nào giải quyết bài toán thiếu cơ sở vật chất, thiếu quỹ đất, thiếu nhân lực… cần một giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ nhiều cơ quan chức năng nhưng cũng cần thời gian, không thể thay đổi trong một sớm một chiều. Trước mắt, cần đổi mới và đa dạng hình thức truyền thông, giáo dục, phổ biến để kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến được với cha mẹ, học sinh và cộng đồng dân cư một cách hiệu quả. Các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia vận động người dân chủ động đưa con đi học bơi và rèn luyện kỹ năng sống.
Đối với các khu vực nước sâu, nguy hiểm gây đuối nước các địa phương cần lập bản đồ, thông báo rộng rãi tới người dân để có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh báo, cảnh giới. Các địa phương tăng cường quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng bể bơi để tăng tỷ lệ trẻ em được dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
PGS. TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII:
Tôi ủng hộ việc đưa bơi lội thành môn học bắt buộc
Từ năm 2018, khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao, các đại biểu đã tranh luận về việc quy định môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường, bên cạnh các môn văn hóa khác. Khi thực hiện việc này thì mới đạt được mục tiêu phổ cập kỹ năng bơi lội cho học sinh, giảm các vụ đuối nước thương tâm.
Xét từ lợi ích của việc học bơi, về mặt chủ trương, tôi ủng hộ đưa bơi lội thành môn học bắt buộc trong nhà trường. Tuy nhiên, đi kèm với đó là nhiều điều kiện khác về cơ sở vật chất, kinh phí, giáo viên… không thể giải quyết trong một sớm, một chiều, cần thời gian để gỡ khó.
Kỹ năng bơi lội không nằm ở chứng chỉ bơi lội mà phải là biết bơi thực chất, học được các kỹ năng ứng phó khi gặp nguy hiểm trong môi trường nước… nên cần giải pháp quyết liệt để đưa bơi lội phổ cập đến mọi trẻ em Việt Nam. Không chỉ ở thành phố mà ở cả nông thôn, miền núi… nơi tỷ lệ đuối nước do trẻ đi tắm sông, hồ rất cao mà thiếu sự giám sát của người lớn nên rất cần được dạy bơi bài bản và các kỹ năng phòng, tránh, kỹ năng cứu đuối… để trẻ chủ động phòng tránh đuối nước.
Hàn Minh(ghi)