Chính trị

Giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh và người học

H.Vũ 06/11/2024 09:41

Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, vấn đề đầu tư về cơ sở vật chất cho lĩnh vực giáo dục và y tế được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

cv.jpg
Nhân viên y tế làm xét nghiệm tại Bệnh viện Medlatec Nghĩa Dũng (Hà Nội). Ảnh: Quang Vinh.

Người bệnh, người học phải trả phí cao

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho biết, việc đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao dường như chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình, đầu tư về cơ sở vật chất trên lĩnh vực giáo dục, y tế còn mờ nhạt. Chúng ta nói nhiều các bệnh viện, trường đại học phải thực hiện cơ chế tự chủ nhưng chỉ thúc ép các trường này tự chủ, tuy nhiên không đầu tư về cơ sở vật chất.

Từ thực tế lên công tác tại Việt Trì, Phú Thọ, đến thăm Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, ông Cường cho biết, đến cổng bệnh viện, ông ngạc nhiên không nghĩ đó là bệnh viện vì đẹp như khách sạn 5 sao. Nhưng điều trăn trở của lãnh đạo bệnh viện không phải về kỹ thuật, bởi không thua kém các bệnh viện đầu ngành Trung ương, mà điều lo lắng nhất là làm thế nào để trả lãi suất 11% vốn vay đầu tư xây dựng cơ sở đó.

Hoàng Văn Cường, Hà Nội
ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu ý kiến về vấn đề bệnh viện tự chủ, đại học tự chủ. Ảnh: Quang Vinh.

“Nếu chỉ tính khấu hao và chi thường xuyên, bệnh viện không lo giá thành và dịch vụ y tế nhưng cộng thêm trả vốn vay và lãi ngân hàng thì chi phí dịch vụ đội lên rất cao, bệnh nhân không thể chịu được. Đây là điều vô lý khi người bệnh đi khám chữa bệnh không chỉ trả dịch vụ về y tế mà trả cả lãi suất ngân hàng” - ông Cường nói.

Tương tự điều này cũng xảy ra đối với các trường đại học tự chủ. Với các trường phải đi vay tiền để xây dựng và trả lãi suất ngân hàng thì chắc chắn trong chi phí đào tạo sẽ lên cao. Đây là nguyên nhân các trường đại học tự chủ có chi phí học phí cao vì phải “gánh” cả vấn đề chi phí đầu tư cộng với trả lãi suất cho ngân hàng. Nếu cứ để các trường, các bệnh viện tự lo, tự xoay sở tự trả không khác gì chúng ta thực hiện cơ chế thị trường chứ không còn định hướng XHCN.

Từ đó ông Cường đề nghị, cần phải tăng tỷ lệ phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước cho hai lĩnh vực y tế và giáo dục, ít nhất là phải đủ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ban đầu. Sau khi đầu tư xong sẽ giao cho các trường, bệnh viện thực hiện tự chủ, phải tự tính khấu hao để tái đầu tư và tự lo chi thường xuyên. Như vậy, người bệnh, người học sẽ không phải chịu chi trả phí dịch vụ cao.

“Chúng ta nên học hỏi, tham khảo bài học của Trung Quốc. Các trường đại học ở Trung Quốc vươn rất nhanh trở thành những trường đại học top đầu thế giới trong thời gian ngắn như Bắc Kinh và Thanh Hoa, do từ năm 1998 Trung Quốc đã thực hiện mỗi năm các trường đại học này được đầu tư 1,8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 6.000 tỷ đồng). Nếu chúng ta tập trung 5-10 năm dành 5-10% đầu tư phát triển cho y tế, giáo dục thì sau đó có được hệ thống giáo dục, các bệnh viện khang trang hiện đại, người được hưởng lợi thực sự là người dân, người học” - ông Cường nói.

Từ kinh nghiệm của Đại học Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa và các đại học hàng đầu ở Trung Quốc, ĐBQH Lê Quân (Đoàn Hà Nội), Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị, pháp luật về sử dụng tài sản công cần cởi mở hơn với các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục. Theo đó, cần sửa đổi Luật Quản lý sử dụng tài sản công theo hướng giúp đại học được chủ động hơn trong khai thác hiệu quả tài sản công theo quy chế tài chính, có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu, đáp ứng được nhu cầu phát triển của đại học. “Các nguồn thu ngoài học phí và ngân sách sẽ phải chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của đại học. Vì vậy, nếu phát triển được nguồn lực thì sẽ giảm được gánh nặng học phí và chi ngân sách”-ông Quân kiến nghị.

Cũng theo ông Quân, để đất nước có bước đột phá về đổi mới sáng tạo thì đổi mới sáng tạo phải dựa vào các nhà khoa học nhiều hơn. Cần có đổi mới về cơ chế phân bổ kinh phí khoa học công nghệ bởi hiện nay thủ tục thanh quyết toán rất chậm, nhiều rào cản, các định mức còn lạc hậu. Kinh phí cần đầu tư cho các nhóm nghiên cứu theo các đơn vị khoa học công nghệ, phải đầu tư trọn gói, định mức dài hạn để nâng cao hiệu quả và tạo hiệu quả khi triển khai trong thực tế.

ông phơc
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên họp. Ảnh: Quang Vinh.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ

Theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị), tổng số dư đầu năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý chủ yếu là của 3 Quỹ: Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp; Bảo hiểm y tế do BHXH Việt Nam quản lý, chiếm gần 91% tổng số dư các quỹ.

Ước tính đến cuối năm nay, số dư nguồn các quỹ tăng khoảng 56.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, số dư của 3 quỹ do BHXH Việt Nam quản lý chiếm gần như tuyệt đối trên 91% tổng số dư các quỹ, tương đương khoảng 1.300 tỷ đồng.

“Số dư chủ yếu được sử dụng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Vấn đề là cơ cấu và chất lượng sử dụng vốn của nguồn vốn dư của 3 quỹ này như thế nào, khả năng bảo toàn và sinh lời của chúng ra sao, theo đó là sứ mệnh bảo đảm an sinh xã hội của cơ quan BHXH có hoàn thành không?” - ông Đồng nêu vấn đề và đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm rà soát lại những quy định và tháo gỡ những các điểm nghẽn hiện nay.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho hay, hiện nay ngân sách mới có hơn 13,3 nghìn tỷ đồng/43,281 nghìn tỷ chi thường xuyên được bố trí; số còn lại hơn 29,981 nghìn tỷ đồng chưa được phân bổ. Đây là vấn đề kìm hãm các công cụ kích thích của nền kinh tế.

Nhấn mạnh hiện nay có hơn 20 quỹ BHXH, có một số quỹ sắp đóng lại, trong khi một số quỹ khác sẽ được mở thêm. Do đó ông Huân đề nghị Quốc hội, hoặc các cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát các quỹ để có đánh giá cụ thể, kỹ càng, đảm bảo quản lý sử dụng một cách hiệu quả. “Quỹ BHXH hiện nay đang dư hơn 1 triệu tỷ đồng, liệu chúng ta có thiết lập thêm các quỹ đang chi không hiệu quả, thường xuyên dư? Không nên đánh giá quỹ bằng số lượng dự án, mà cần xem xét hiệu quả của hoạt động của quỹ, tác động của quỹ đối với tăng trưởng bao nhiêu % GDP” - ông Huân nêu vấn đề.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TPHCM) kiến nghị, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, chống thất thu trong lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là thuế nhập khẩu. Đồng thời tiếp tục chống lãng phí, khai thác hiệu quả tài sản công, đất công, xem xét điều chỉnh thuế giá trị gia tăng đối với một số lĩnh vực như khoa học công nghệ, văn hóa, nông nghiệp để tạo động lực tăng trưởng.

Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

“Công tác chuẩn bị dự án đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân, cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công” - ĐBQH Triệu Quang Huy (Đoàn Lạng Sơn) chỉ rõ.

Từ đó ông Huy đề nghị, khi đưa danh mục dự án vào kế hoạch vốn cần làm rõ sự phù hợp của dự án với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án. Người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình phê duyệt.

“Việc nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới”-ông Huy nói.

ĐBQH Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) thì cho rằng, hiện vẫn còn vướng mắc về cơ chế, quy trình, thủ tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Tâm kiến nghị, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý triển khai, vận hành các chương trình mục tiêu quốc gia theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội là thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật.

Giải trình trước các ý kiến ĐBQH nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ có sự đổi mới về phân bổ chi thường xuyên và chi đầu tư. Ví dụ, trong chi thường xuyên, sau khi Quốc hội phê chuẩn thì giao một lần cho các đơn vị, tức là các tỉnh và các bộ ngành. Các tỉnh sẽ phân bổ ngân sách theo đúng quy định. Sau đó, Bộ Tài chính làm nhiệm vụ kiểm tra lại việc thực hiện.

Về vướng mắc trong chi đầu tư công, chi thường xuyên, theo ông Phớc, hiện có những bất cập như thiếu đất để san lấp, do theo quy định thì đất là khoáng sản, nên phải thực hiện theo quy trình chung đối với khoáng sản. Do đó cần sửa đổi quy định cho phù hợp, hoặc nếu vẫn giữ quan điểm cũ thì cần quy định cấp đất, cấp mỏ cho các nhà thầu thi công tuyến đường chỉ để xây dựng tuyến đường, cấm bán ra ngoài, đóng mỏ ngay sau khi hoàn tất thi công. “Chính phủ sẽ trình cấp có thẩm quyền để quyết định việc sửa đổi, bổ sung quy định này”- ông Phớc thông tin.

Ngày làm việc thứ 13 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Ngày 5/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 13 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng: Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.

Nội dung 2: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại phiên thảo luận có 12 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 4 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận; trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cân thiết ban hành Luật và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Buổi chiều: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm gánh nặng chi phí cho người bệnh và người học