Giá xăng hạ, người dân bớt nỗi lo nhưng các đại lý kinh doanh xăng dầu tiếp tục kêu khó vì chiết khấu giảm về 0. Cùng với đó, nguồn cung xăng dầu cũng có lúc gián đoạn.
Ông Nguyễn Đức Hạnh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP dầu khí Sơn Hải (Hà Nội) cho biết, từ tháng 7/2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng dầu và các doanh ngiệp (DN) bán lẻ xăng dầu rất thấp. Có thời điểm chiết khấu bằng 0 và 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn. “Với chiết khấu thấp như vậy, chúng tôi càng bán càng lỗ, trong khi các cơ quan quản lý lại yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa”.
Theo tính toán của ông Hạnh, chi phí vận chuyển cho 1 lít xăng từ cảng đầu nguồn cho đến khâu bán lẻ của công ty là 1.217 đến 1.341 đồng/lít; từ 1.130 đến 1.254 đồng/lít đối với dầu. Để đảm bảo hoạt động cung cấp xăng thì chi phí tổi thiểu cho DN phải từ 1.547-1.641 đồng/lít xăng và từ 1.430 - 1.554 đồng/lít dầu. Từ đó, ông Hạnh kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ giá thành đầu vào của các DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí thực tế cho các đầu mối nhập khẩu; yêu cầu các đầu mối nhập khẩu cho các tổng đại lý, đại lý, chiết khấu hoa hồng mức tối thiểu để đảm bảo đủ chi phí trong kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Sinh - Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng (Yên Bái) cho biết, DN nhập khẩu xăng dầu tại kho Đức Giang chiết khấu bằng 0 đồng/lít, có thời điểm cao hơn là 20 đồng/lít, 70 đồng/lít. Trong khi, chi phí vận chuyển xăng dầu từ kho Đức Giang đến các đại lý khoảng 700 đồng/lít. Mức chiết khấu DN tính toán phải khoảng 1.200-1.300 đồng/lít mới đủ để bù trừ chi phí cho DN.
Tương tự, bà Lê Thị Nhã - DN tư nhân Văn Phúc cho rằng các đầu mối cần đảm bảo hoa hồng cho đại lý ít nhất là đủ trả lương công nhân, tiền điện để cửa hàng có tiền trang trải. “Nếu cứ cho hoa hồng 17 đồng/lít thì DN chúng tôi phá sản”- bà Nhã nói đồng thời nêu lên bất cập của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu là mỗi cây xăng chỉ được phép mua từ duy nhất 1 nguồn, đã giúp cho đầu mối chèn ép đại lý về giá, điều kiện giao hàng… dẫn đến thiếu hàng cục bộ.
Ông Ngô Trung Sơn - Công ty xăng dầu Trung Sơn cũng đề xuất bỏ quy định “độc quyền” trên. Theo ông Sơn, hiện có quá nhiều khâu trung gian trong phân phối xăng dầu dẫn đến tăng chi phí cho DN và người dùng phải gánh chịu.
Chia sẻ với khó khăn của DN, bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Chủ tịch Chi hội xăng dầu (Hiệp hội DN nhỏ và vừa) cũng cho biết, các DN bán lẻ đang bị các đầu mối ép đủ đường và chỉ có đầu mối được hưởng lợi.
“Trong quy định của luật, các chi phí định mức đã có đủ các loại chi phí từ lưu thông, vận tải, hao hụt nhưng thực tế hiện nay, các DN đầu mối để chi phí bằng 0 cho DN bán lẻ là không sòng phẳng. Cơ quan quản lý cần tránh việc lấy thành tích khi hạ giá xăng dầu mà không biết diễn biến thị trường ra sao và cũng cần hiểu tình hình của các DN bán lẻ. Hạ giá xăng dầu mà DN không còn nguồn vốn để mua xăng dầu thì làm sao mà đảm bảo được thị trường” - bà Hường nói đồng thời kiến nghị cần sửa đổi quy định về thời gian điều chỉnh giá xăng dầu để tránh thị trường chờ đợi quá lâu.
Thừa nhận thực tế chiết khấu thấp DN sẽ khó hoạt động, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng: “Với chiết khấu bằng 0 đồng như hiện nay, không có DN nào tồn tại được cả. Chúng tôi đã kiến nghị với liên bộ cần đảm bảo cho DN có chi phí lưu thông. Chính sách hiện nay không rõ ràng, không có cơ chế nào hỗ trợ DN bán lẻ cả”.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, Việt Nam sản xuất được 70-75% xăng dầu, nhập khẩu trên dưới 20% để đảm bảo đáp ứng nhu cầu trên 23 triệu m3 xăng dầu mỗi năm. Thời gian qua, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu.
“Về vấn đề điều hành, chiết khấu xăng dầu, chúng tôi là đơn vị tham mưu chính sách. Bản chất cuối cùng của chính sách là thực tiễn, khi doanh nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ tiếp thu, tham mưu điều chỉnh làm sao cho phù hợp với thực tiễn phát sinh” - ông Tuấn nói.
Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung. Quỹ bình ổn giá xăng dầu cần được sử dụng hợp lý với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Đồng thời, xem xét giảm Thuế Giá trị gia tăng và Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.