Nhiều năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong công cuộc giảm nghèo và phát triển vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, một bộ phận phụ nữ dân tộc thiểu số hiện vẫn phải đối mặt với các rào cản trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Thúc đẩy bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những chính sách xã hội quan trọng của quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế.
Vẫn còn khoảng cách
Khoảng cách giới trong các nhóm dân tộc thiểu số và giữa các nhóm dân tộc thiểu số với dân tộc Kinh vẫn tồn tại trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ.
Đây là nhận định được đưa ra trong hai báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015-2019” và “Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam” do Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) và Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam vừa công bố.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, báo cáo cũng chỉ rõ một số vấn đề giới ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn tiếp tục tồn tại trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chung ở 53 dân tộc thiểu số tuy có giảm, song mức giảm chưa đồng đều và cá biệt vẫn tiếp tục tăng trong một số dân tộc.
Cần cách tiếp cận chính sách đa chiều
Ông Bùi Tôn Hiến- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho biết, trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình. Sự đan xen của nhiều hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính và dân tộc có ảnh hưởng phổ biến nhất.
Nhấn mạnh cách tiếp cận đa chiều, toàn diện để xây dựng một chiến lược can thiệp tổng thể và bền vững, bà Elisa Fernandez Saenz- Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cho rằng, các vấn đề bình đẳng giới đan xen với các yếu tố dân tộc thường khó giải quyết và đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện cũng như cần những cam kết đầu tư nguồn lực tài chính trong những năm tới. “UN Women tin rằng, báo cáo này sẽ góp phần lấp khoảng trống về số liệu thống kê giới trong các dân tộc thiểu số Việt Nam và đóng góp vào tiến trình thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững ở các vùng dân tộc thiểu số”- bà Elisa Fernandez Saenz nói.
Ông Lưu Xuân Thủy- Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số tin rằng, những phân tích về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số là thông tin nền tảng, hữu ích cho các bên liên quan để thiết kế các chính sách và chương trình can thiệp để đảm bảo phụ nữ dân tộc thiểu số không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi
Ngoài ra, theo Báo cáo chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam: Phụ nữ dân tộc thiểu số thường có xu hướng lao động sớm, hoạt động sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số phụ thuộc nhiều vào đất đai, song phụ nữ dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa lại rất thiếu cơ hội tiếp cận bình đẳng tới nguồn tài nguyên đất và vốn. Họ có rất ít cơ hội tự quyết định vấn đề có ảnh hưởng tới cuộc sống.
Trong mối quan hệ gia đình, nam giới vẫn đóng vai trò chủ đạo. Do rào cản về tri thức, phụ nữ dân tộc thiểu số thường ít thông tin về các quyền được tham gia và hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất ở địa phương, ít được tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực hay đứng tên vay vốn tín dụng ưu đãi.
Trong các chính sách hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng ít đề cập đến vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong xây dựng, thực hiện, giám sát - đánh giá các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phụ nữ dân tộc thiểu số ít tham gia các tổ chức xã hội, đoàn thể, do vậy, đa số phụ nữ dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ về giá trị bản thân; chưa mạnh dạn vươn lên trong học tập và phát triển sinh kế, cải thiện việc làm và thu nhập.
Vì vậy, thời gian qua đã có nhiều chính sách, chương trình ưu tiên hướng đến nhóm đối tượng này trong quá trình thụ hưởng chính sách, tiêu biểu như Chương trình Mục tiểu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi... Một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình này là lồng ghép giới, hướng đến xóa bỏ bất bình đẳng giới giữa các nhóm dân tộc.
Báo cáo vừa được công bố đã cung cấp một bức tranh rõ nét, đa chiều về thực trạng bình đẳng giới ở các vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Báo cáo chỉ ra các vấn đề giới nào đang được Chính phủ giải quyết tốt và vấn đề nào cần tiếp tục nỗ lực can thiệp về cả chính sách và chương trình. Các số liệu thống kê giới này sẽ là cơ sở cho quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi hướng tới phát triển bền vững vào năm 2030.