Giảm lãi suất, kích cầu nền kinh tế

H.Hương-M.Sang 17/07/2023 07:00

Ngành ngân hàng có 2 nhiệm vụ quan trọng là tăng trưởng tín dụng để phát triển kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Dù các ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất nhưng sức cầu của nền kinh tế vẫn rất thấp, vì vậy cần có chính sách tài khóa hỗ trợ nhiều hơn để làm tăng tổng cầu nền kinh tế, từ đó tăng cầu tín dụng của doanh nghiệp.

Giảm mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng tốc sản xuất. Ảnh: Quang Vinh.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng hạn mức tín dụng giao cho toàn hệ thống lên khoảng 14%. Cùng với nỗ lực, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi sản xuất kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động đã dần duy trì ổn định và giảm từ 1-2% so với cuối năm 2022.

Hỗ trợ vốn, cơ cấu lại các khoản nợ cho doanh nghiệp

Hiện phần lớn ngân hàng đã đưa lãi suất huy động cao nhất xuống dưới mức 7,5%/năm. Từ đây cũng đặt ra kỳ vọng khơi thông được dòng vốn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng DN vẫn cần vốn vay rẻ và quan trọng là ngân hàng và DN phải gặp được nhau.

Ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời cho biết vụ Đông Xuân vừa qua, DN dự định mua lúa với số tiền khoảng 10.000 tỷ đồng, nhưng chỉ mua được 6.000 tỷ đồng do “đói” vốn.

Theo tính toán, Lộc Trời cần 1 tỷ USD để mua lúa cho nông dân, song ngân hàng nói không có tài sản thế chấp nên không thể vay vốn. “Đặc biệt, lãi suất ngân hàng tới 17%/năm, nếu vay để làm thì DN cũng không có lợi nhuận” - ông Thuận chia sẻ và cho biết, trong 6 tháng vừa qua, lãi suất ngân hàng mà DN này phải trả là 300 tỷ đồng. Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cũng cho rằng, DN lúa gạo gần như không có tài sản thế chấp, tài sản lớn nhất là nhà máy nên không vay được bao nhiêu tiền, chưa kể còn phải đầu tư cho nông dân xây dựng chuỗi sản xuất.

Còn bà Bùi Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo hiện rất cao. Các DN không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm. Nước ta đang có cơ hội lớn trong xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, DN gặp khó về vốn tín dụng, bởi có tiền thì thương nhân mới mua lúa được của nông dân. DN đề nghị ngân hàng tăng cường nguồn vốn ngắn hạn tại các thời điểm chính vụ để các thương nhân có thể tiếp cận, cũng như ngân hàng có gói lãi suất dài hạn hiệu quả hơn nhằm hỗ trợ thương nhân thu mua lúa gạo; tăng cường chính sách cho vay không có tài sản đảm bảo trong chính vụ thu hoạch.

Còn đại diện hiệp hội DN nhỏ và vừa (SME) nói rằng, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các tác động từ tình hình thế giới khác, đơn hàng của các DN vừa và nhỏ sụt giảm, đầu ra khó khăn, chi phí nguyên, nhiên, vật liệu vẫn cao… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh. SME kiến nghị, bộ, ngành liên quan xem xét chỉ đạo, tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tốt hơn; tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho DN; cơ cấu lại các khoản nợ cho DN.

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, động thái tích cực đối với nền kinh tế. Ảnh: Quang Vinh.

Ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất

Vậy còn phía ngân hàng, trước kỳ vọng và mong muốn của DN thì sao? Tại hội nghị với các ngân hàng thương mại của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam mới đây, ông Trần Văn Tần - Phó Chủ tịch Hiệp hội, thành viên HĐQT VietinBank cho biết, những tác động tiêu cực từ nền kinh tế, khả năng hấp thụ vốn của DN suy giảm, khiến cho hoạt động ngân hàng rất khó khăn. Tuy nhiên, VietinBank vẫn tích cực thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN trong việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, với dư nợ đạt được là trên 10.000 tỷ đồng; tích cực triển khai cơ cấu nợ và tín dụng đối với nhà ở xã hội…

VietinBank cam kết sẽ đi đầu trong việc triển khai cơ chế chính sách từ Chính phủ, NHNN, cũng như đồng thuận cùng các tổ chức hội viên, hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về giảm lãi suất 1,5-2%/năm vừa qua.

Còn ông Nguyễn Đình Tùng - thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc OCB thì đề nghị, NHNN xem xét điều chỉnh lại tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn phù hợp với thực tế, đồng thời nên xem xét hoãn thời hạn áp dụng tỷ lệ 30% thay vì đến hạn ngày 30/9/2023, để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng dù các ngân hàng đã chủ động hạ lãi suất nhưng sức cầu của nền kinh tế đang rất thấp, do vậy Chính phủ cần có chính sách tài khóa hỗ trợ nhiều hơn do chính sách tài khóa làm tăng tổng cầu nền kinh tế, từ đó, tăng cầu tín dụng của DN.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mùi - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nguyên Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank cho rằng, việc giảm lãi suất có kích thích nhu cầu vay vốn, nhưng không phải tất cả. Đối với những DN có nhu cầu vay vốn, giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện giúp DN tiết kiệm chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hạ lãi suất cũng chỉ là một cách để kích cầu tín dụng, nhưng cần có những biện pháp tổng thể hơn nữa, tăng trưởng tín dụng mới được như mong muốn.

GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng bình luận rằng, 6 tháng qua, NHNN đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế, rõ nét nhất là mức lãi suất đã có xu hướng giảm, mặt bằng lãi suất 6 tháng đầu năm đã giảm so với trước đây. Nhìn về tổng cầu, mặc dù lãi suất giảm nhưng sản xuất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này phản ánh mức độ hấp thụ của các DN còn yếu, cho nên việc giảm lãi suất cũng không phải là yếu tố then chốt để hỗ trợ tổng cầu, vì DN hiện vẫn đang gặp khó khăn cả về đầu vào và đầu ra. Như vậy, trong thời gian tới bên cạnh chính sách tiền tệ thì vẫn cần phải tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khoá.

Tạo điều kiện tiếp cận vốn

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào cao, thị trường đầu ra và đơn hàng của DN suy giảm... kéo theo mức độ rủi ro của khách hàng gia tăng.

“Việc nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng có thể làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu phát sinh, tạo hệ lụy đe dọa an toàn tài chính quốc gia và an toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong tương lai” - ông Tú nói và cho biết NHNN cho biết sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế để tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Bên cạnh đó điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý; hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu

Theo ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội (Hansiba), chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là các chính sách kinh tế vĩ mô quan trọng, hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Vì thế, các DN mong muốn Bộ Tài chính, NHNN phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ DN thêm sự chủ động, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tăng giảm lãi suất hợp lý, tiếp tục quan tâm tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, đặc biệt là khối sản xuất công nghiệp hỗ trợ, qua đó góp phần giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, giảm giá đầu ra, kiểm soát lạm phát, tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm lãi suất, kích cầu nền kinh tế