Tỉnh Thanh Hóa đã trồng thâm canh, phục tráng được 12.980 ha rừng luồng, nhiều hộ dân giảm nghèo, các hộ thu nhập khá.
Nhằm ngăn chặn tình trạng rừng luồng bị suy thoái và phát triển kinh tế cho người dân, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện đề án trồng thâm canh, phục tráng rừng luồng trên địa bàn 7 huyện miền núi. Đến nay, tỉnh đã trồng thâm canh, phục tráng được 12.980 ha rừng luồng.
Xã Tam Lư, huyện Quan Sơn là nơi có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Xã có hơn 550 hộ trồng cây luồng và trong 5 năm qua UBND xã Tam Lư đã hỗ trợ mỗi hộ 3 triệu đồng/năm để mua phân bón cho cây luồng; đồng thời, hỗ trợ chuyển giao khoa học kĩ thuật. Từ đó, có nhiều hộ dân giảm nghèo, các hộ thu nhập khá từ rừng luồng đạt từ 30- 60 triệu/năm. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 40 triệu/người/năm, xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
Ông Hà Văn Hinh, bản Hậu, xã Tam Lư cho hay, cách đây 6 năm, gia đình ông có trồng 1 ha luồng kinh tế nhưng do phương thức trồng đã cũ, kinh nghiệm chưa có nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2016, ông Hinh được UBND xã Tam Lư hỗ trợ 3 triệu đồng tiền mua phân để trồng luồng mỗi năm và cán bộ nông nghiệp UBND huyện Quan Sơn hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong thâm canh, phục tráng rừng luồng, ông đã xây dựng một mô hình phát triển kinh tế rừng đồi lấy cây luồng làm cây mũi nhọn.
Năm 2018, ông quyết định trồng thêm 2 ha cây luồng, 2 ha cây Vầu, Keo, kết hợp chăn nuôi lợn, gà, đối với cây luồng mỗi năm gia đình ông khai thác 2 đợt; trong đó, đợt 1 là phát quang, đợt 2 khai thác xen kẽ. Đến nay, trang trại của ông Hinh đã được mở rộng lên 6 ha, bao gồm gần 4 ha luồng, 2 ha Vầu, Keo và 5 con lợn, gà và cây hái quả, thu nhập bình quân đạt 100 triệu/năm, riêng mình luồng thu nhập đạt khoảng 50-60 triệu/năm.
Theo ông Hinh, cây luồng vốn là cây gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi vì cây không chỉ cho giá trị kinh tế mà khi cây luồng trưởng thành còn góp phần chống sói mòn, sạt lở đất mỗi khi mùa mưa lũ xảy ra trên địa bàn.
Theo ông Hà Văn Quyên, Phó chủ tịch UBND xã Tam Lư, tổng diện tích rừng luồng trên địa bàn xã là 900 ha và đã được cấp chứng chỉ FSC. Nhờ được hỗ trợ nguồn vốn mua phân bón cho các hộ dân và chuyển giao khoa học kỹ thuật nên trong 5 năm qua xã đã thâm canh, phục tráng được 480 ha rừng luồng, số măng ra nhiều hơn lúc chưa phục tráng và đem lại giá trị kinh tế cao.
Là một trong các huyện có diện tích rừng luồng lớn của tỉnh, huyện Quan Sơn có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của người dân tại khu vực đường vành đai biên giới còn nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 2016-2021, UBND huyện Quan Sơn đã ban hành chương trình chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh, phục tráng nhằm hỗ trợ phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho người dân trồng luồng.
Bên cạnh đó, huyện Quan Sơn cũng vận động các hộ dân người dân tộc thiểu số tham gia trồng cây luồng và thu hút đầu tư mở rộng mạng lưới chế biến lâm sản đa dạng hóa sản phẩm tiêu dùng.
Huyện đã phục tráng được từ 3.000-4.000 ha rừng luồng với 1.876 hộ gia đình tham gia, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã thoát nghèo nhờ trồng cây luồng với thu nhập từ 40-60 triệu/năm, nâng thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện lên khoảng 32 triệu/người/năm.
UBND huyện Quan Sơn cũng cho biết, huyện hiện có gần 14.000 ha rừng luồng, chủ yếu tại các xã Tam Lư, Trung Thượng, Trung Hạ, Trung Tiến. Trong năm 2020, huyện đã phục tráng 1.000 ha rừng luồng với 729 hộ tham gia trong năm đầu tiên, hiện cây luồng đang phát triển tốt và dự kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.