Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để tập trung giải quyết vấn đề giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn này sẽ dành 3/7 dự án đầu tư cho vùng "lõi nghèo" là các huyện, xã đặc biệt khó khăn, vùng ven biển và hải đảo.
Hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu
Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 14% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 3,8 triệu hộ. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo khoảng 8% (2,2 triệu hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6% (1,6 triệu hộ). Do đó, từ nay tới năm 2025, ngân sách nhà nước, địa phương và các nguồn khác sẽ dành 75.000 tỷ đồng để giảm một nửa số hộ nghèo, cận nghèo đa chiều trên cả nước.
Chương trình hướng tới hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo sớm ra khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Muốn đạt được 4 chỉ tiêu giảm nghèo giai đoạn 2021-2025, trong đó có tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải lựa chọn đầu tư vào các mô hình sinh kế thông minh, phù hợp. Từ đó khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân. Các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch cộng đồng phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu của hộ nghèo cần đặc biệt chú ý. Nhất là những mô hình tạo việc làm, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động cho địa phương.
Thách thức lớn
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, xu thế đô thị hóa, già hóa dân số, tình trạng di cư lao động đặt ra những thách thức rất lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề, tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập. Vì vậy, chương trình giảm nghèo năm 2023 nói riêng và giai đoạn 2021 -2025 nói chung sẽ tập trung hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo trong đào tạo nghề, việc làm bền vững, có sinh kế, thu nhập ổn định.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 này là sự kế tiếp của giai đoạn 2016-2020, nhưng đòi hỏi cao hơn kể cả về mặt tiêu chí cũng như về định mức, các nội dung liên quan.
Tuy nhiên, theo ông Dung, việc triển khai không dễ bởi từ khi bắt đầu đã gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là do tác động của đại dịch Covid-19. Một thách thức hiện nay trong công tác giảm nghèo là vẫn còn một bộ phận người nghèo chưa chủ động vươn lên mà còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh có thể làm gia tăng đáng kể số hộ nghèo; đại dịch Covid-19 xảy trong 2 năm vừa qua là một "phép thử" rõ nhất. Hơn nữa, dù hệ thống chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành khá đồng bộ, toàn diện, nhưng vẫn còn một số cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo chưa thực sự hiệu quả.
Đề xuất giải pháp để triển khai giảm nghèo hiệu quả, TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng, cần đánh giá các chương trình, chính sách giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2020 theo các tiêu chí như: Tính kịp thời trong việc hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách; tính phù hợp của cơ chế, chính sách, dự án đã ban hành trong triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo về đối tượng thụ hưởng, đặc điểm vùng, miền; tính phù hợp với nguồn lực và năng lực thực thi của các địa phương. Bên cạnh đó, cần đánh giá đến tính đồng bộ và hệ thống của cơ chế, chính sách và giải pháp giảm nghèo; tính đầy đủ thể hiện ở mức độ bố trí nguồn lực, bảo đảm đầy đủ và kịp thời nguồn lực cho thực hiện các dự án, chính sách trong chương trình giảm nghèo; tính hiệu lực và hiệu quả.
Giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo được nâng lên tầm cao mới, với việc áp dụng chuẩn nghèo cao hơn giai đoạn trước theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27/1/2021 của Chính phủ. Chuẩn nghèo giai đoạn này được nhận diện ở tiêu chí thu nhập và 6 chỉ tiêu (12 chỉ số) dịch vụ xã hội cơ bản, đã nâng tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng từ 5,2% năm 2020 lên 9,35% năm 2022.