Trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết về đề xuất giảm thêm Thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu của Bộ Tài chính, ông Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, từ đầu năm đến nay giá xăng tăng 13 lần với tổng mức tăng trên 8.000 đồng/lít, thì việc giảm 3.000 đồng/lít thuế BVMT là không đủ.
PV: Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm Thuế BVMT thêm 500 - 1000 đồng/lít. Ông nghĩ sao về mức đề xuất này?
Ồng Lê Quốc Phương: Trước hết, chúng ta ghi nhận nỗ lực tìm giải pháp kìm giá xăng của Bộ Tài chính đưa ra trong bối cảnh giá xăng dầu tăng nhanh, biến động khôn lường.
Đầu tháng 4/2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm 50% thuế BVMT với các mặt hàng xăng dầu. Nay, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giảm Thuế BVMT xuống mức sàn.
Như vậy, tính ra tổng mức Thuế BVMT xăng được đề xuất giảm là 3.000 đồng/lít. Việc này là tốt trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đang trong quá trình phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng liệu mức giảm này có đủ để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hay không, thì tôi nói là không đủ.
Giá xăng Ron 95 gần 33.000 đồng/lít, từ đầu năm đến nay giá xăng được điều chỉnh tăng 13 lần với tổng mức tăng hơn 8.000 đồng/lít thì việc giảm 3.000 đồng/lít Thuế BVMT đối với xăng dầu là không đủ. Mặc dù chúng ta biết rằng giảm được chừng nào là hay chừng đó, giảm còn hơn không giảm, đề xuất giảm là tốt nhưng mức giảm nhỏ không bù được khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Vậy theo ông, nên giảm mạnh hơn nữa mức Thuế BVMT đối với xăng dầu?
- Thuế BVMT xăng dầu đã có khung cố định, mức giảm đề xuất và phần đã thực hiện tính ra 70%.
Giảm Thuế BVMT xăng dầu chắc chắn làm ảnh hưởng tới nguồn thu bảo vệ môi trường, trong khi đó chúng ta đều thấy rằng, môi trường có nhiều vấn đề, như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước ngầm do vậy nếu giảm hết Thuế BVMT đối với xăng dầu thì ảnh hưởng đến công tác BVMT nói chung.
Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục leo thang, có giải pháp nào để kìm giá xăng trong nước, thưa ông?
- Khi giá xăng dầu trên thế giới có xu hướng tăng cao, nhiều quốc gia cũng phải tìm mọi cách để giảm ảnh hưởng giá xăng đến sản xuất và tiêu dùng. Có nhiều biện pháp được thực hiện, đương nhiên biện pháp nào cũng có 2 mặt.
Với Việt Nam việc đầu tiên để kìm giá xăng, có thể làm là xem xét giảm các thuế khác, như thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Chúng ta nên làm mạnh hơn trong việc giảm 10% thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo tôi, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng dầu là không được vì nó là mặt hàng thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp sử dụng trực tiếp là nguyên liệu đầu vào, chưa kể các doanh nghiệp gián tiếp như vận tải, ngư dân cũng tiêu thụ lớn lượng xăng dầu. Hiện nay theo phản ánh, nhiều ngư dân không dám ra biển vì giá xăng tăng quá cao.
Vì vậy biện pháp đầu tiên là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài ra chúng ta có thể giảm phần nào thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo trình tự ưu tiên được tính toán.
Ngoài ra, ở các quốc gia khác cũng đang có cách làm giảm ảnh hưởng tác động giá xăng là trợ cấp cho người nghèo. Ví dụ như xăng đắt thì mỗi tháng trợ cấp mấy trăm đô-la Mỹ cho người dân. Đó là giải pháp của những quốc gia có điều kiện về ngân sách.
Cũng có những quốc gia khác trợ cấp cho DN vận tải vì DN này sử dụng xăng dầu nhiều. Bên cạnh đó cũng có một số quốc gia hạ giá phương tiện giao thông công cộng, để khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng,...
Bộ Công thương đang xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Ngoài câu chuyện giá xăng thế giới tăng, giá xăng trong nước bị tác động thì nguồn cung xăng dầu của chúng ta cũng thấp.
Hiện nay nguồn cung xăng dầu trong nước chiếm 75% còn 35% nhập khẩu. Dự trữ quốc gia xăng dầu chúng ta chỉ được 1 tuần, thì việc nâng dự trữ là cần thiết, nhưng nâng dự trữ là cả một vấn đề lớn vì việc xây dựng kho không hề đơn giản, rất tốn kém.
Ở các nước có dự trữ xăng dầu lớn đến 1 tháng, khi giá xăng dầu lên họ xả dự trữ để bình ổn giá nhưng với Việt Nam, giải pháp này cần có thời gian. Chúng ta chưa quen điều hành giá xăng dầu thông qua dự trữ quốc gia và trong một vài năm tới chưa thể điều hành giá xăng dầu bằng dự trữ được.
Trân trọng cảm ơn ông!