Giám sát các khoản thu trong giáo dục

Nhã Phương 30/03/2017 09:15

Thời gian qua, việc lạm thu các loại quỹ khiến không ít phụ huynh bức xúc. Để góp phần định hướng và giải quyết những khó khăn trên trong năm 2016, UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành giám sát việc thu các loại quỹ, phí và học phí nhằm đảm bảo tốt cho công tác giáo dục.

Công tác giáo dục luôn được toàn xã hội quan tâm.

Minh bạch các khoản thu

Việc đóng góp các loại quỹ, phí, học phí, các khoản thu ngoài để đảm bảo tốt hơn điều kiện hoc tập cho con em mình. Tuy nhiên, việc thu như thế nào, sử dụng ra sao, làm thế nào để tránh lạm thu lại là vấn đề còn nhiều băn khoăn.

Gia đình chị Mai Thị Hải, TP Thái Nguyên đang có con theo học lớp 10 cho biết, các khoản thu theo thỏa thuận và thu tự nguyện vẫn có sự không rõ ràng, nhiều khi tính chất thỏa thuận, tự nguyện chỉ trên danh nghĩa.

Muốn dạy thêm chẳng hạn, nhà trường phát một tờ đơn xin học thêm đã in sẵn cho phụ huynh để ký tên. Tuy tự nguyện nhưng thực ra là bắt buộc, đã ký vào tờ đơn thì phụ huynh cứ đều đều trả tiền học thêm hàng tháng cho con. Điều này đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng chẳng phụ huynh nào dám kêu ca bởi sợ con mình sẽ bị “phân biệt đối xử”.

Theo chị Hải, để tránh việc các trường áp đặt mức thu, các khoản thu, Sở Giáo dục và Đào tạo cần có quy định rõ ràng và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, song song với đó là công tác thanh kiểm tra phải được thực hiện chặt chẽ. Nếu cần thiết, Sở Giáo dục – Đào tạo có thể đưa ra mức trần đối với các khoản thu này.

Chị Nguyễn Thị Minh, xã Tân Thái, huyện Đại Từ có con học lớp một nhưng đầu năm gia đình chị phải đóng hơn 5 triệu đồng, chưa kể hàng tháng phát sinh nhiều loại tiền khác. Điều chị Minh cảm thấy vô lý nhất là ngoài tiền học phí và lệ phí khác, chị cùng nhiều phụ huynh còn phải góp tiền mua trang thiết bị giảng dạy, mua bàn cho giáo viên trong khi khoản tiền này được nhà trường thu ngay đầu năm.

Theo báo cáo giám sát việc thu các loại quỹ, phí đối với các khoản thu theo quy định, một số nhà trường thực hiện việc thu học phí và phí trông giữ xe đạp chưa phù hợp theo quy định như: Quyết định số 1893/QĐ-BGDĐT Ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên quy định đối với cấp THCS và cấp THPT, có ít nhất 37 tuần thực học tương đương với 9 tháng/năm học, nhưng thực tế có trường thu học phí và các khoản thu khác tính 10 tháng/năm học như Trường THCS Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên.

Về định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô thì 20% tổng số thu phí trông giữ xe đạp, xe máy tại trường học phải nộp vào ngân sách Nhà nước nhưng trong thực tế có trường chưa thực hiện nộp theo quy định này như trường THPT Phổ Yên...

Tuyên truyền thay đổi nhận thức

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn ngành hiện có 686 cơ sở giáo dục. Trong những năm qua, Sở đã tham mưu trình HĐND tỉnh phê duyệt để UBND tỉnh ban hành quyết định về mức thu, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; cơ chế thu chi, sử dụng học phí dạy thêm, học thêm. Sở cũng ban hành hướng dẫn thực hiện các khoản thu theo quy định, các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục.

Tổng số thu năm học 2015 - 2016 của các cơ sở giáo dục là trên 334 tỷ đồng, trong đó khoản thu theo quy định là trên 55 tỷ đồng, thu theo thỏa thuận trên 213 tỷ đồng và thu đóng góp tự nguyện là trên 65 tỷ đồng. Mặc dù, qua thanh tra, kiểm tra về cơ bản các trường đã triển khai các khoản thu đầu năm học đúng quy định.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng có cơ sở giáo dục tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành các văn bản về khoản thu có nội dung trái với văn bản cấp trên, một số cơ sở giáo dục còn huy động khoản thu dưới hình thức thông qua quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh, nội dung chi ở nhiều cơ sở giáo dục không đúng quy định. Mức thu còn có những khoản chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số cha mẹ học sinh.

Theo ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thái Nguyên: Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm từng bước đổi mới, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân.

Trong những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục tại các trường học trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được phổ biến, quán triệt và triển khai đến tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà trường và nhân dân góp phần nâng cấp, hoàn thiện, từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất của các nhà trường.

“Tuy nhiên, để công tác giáo dục đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành quy chế dân chủ, quy chế quản lý các khoản thu thỏa thuận, các khoản thu tự nguyện tại các nhà trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ” - ông Minh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát các khoản thu trong giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO