Ngày 8/12, tại buổi tọa đàm phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai: “Nghiên cứu trường hợp và hàm ý chính sách” do Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cùng với Trường Đại học kinh tế Quốc dân tổ chức, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân đồng thời kiến nghị những giải pháp kéo giảm, ngăn chặn tham nhũng.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
“Lấy cần câu con trắm để nhận lại con tép”
GS Trần Thọ Đạt- Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân cho rằng: nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai luôn nóng. Theo ông Đạt, sự cấu kết giữa doanh nghiệp với cán bộ nhà nước là nguy cơ lớn nhưng chưa được nghiên cứu đề cập nhiều. Thực tế trong quá trình phát triển đô thị nhưng chưa hài hòa giữa lợi ích quốc gia, người dân, doanh nghiệp.
Từ việc chuyển đổi không theo quy hoạch mà theo ý của chủ đầu tư, thay đổi quy hoạch trong khi công - tư chưa rõ ràng nên tham nhũng đã chuyển sang hướng mới, ra chính sách vì lợi ích riêng làm tổn hại chính sách chung nhưng vẫn coi là “đúng quy trình”, là “hợp pháp hóa tham nhũng”.
Theo TS Nguyễn Văn Thắng - Viện trưởng Viện Quản lý Châu Á - Thái Bình Dương, mặc dù đã có nhiều biện pháp PCTN song tham nhũng vẫn rất nghiêm trọng và phổ biến. Doanh nghiệp trong ngành bất động sản, xây dựng khai khoáng trả phí không chính thức nhiều lên. Người dân vẫn nhận thấy bồi thường hỗ trợ cho đất bị thu hồi dưới mức giá trị thị trường.
Điều đó cho thấy những quy định trong chính sách chưa giúp giảm tham nhũng. Nguy cơ tham nhũng nảy sinh từ sự cấu kết giữa cán bộ công chức và doanh nghiệp trong các dự án phát triển hạ tầng là những tham nhũng lớn, nghiêm trọng, ảnh hưởng tới người dân nhưng lại chưa được nghiên cứu một cách sâu sắc, phản bội lại các niềm tin và lợi ích của cộng đồng.
“Doanh nghiệp và cán bộ thông đồng làm sai chính sách hoặc vô hiệu hóa chính sách trong thông thầu - khai thác. Doanh nghiệp và cán bộ thông đồng viết lại chính sách có lợi riêng như chính quyền địa phương đưa ra chính sách có lợi cho nhóm. Hay tình trạng doanh nghiệp bị ép hoặc tự động trả phí không chính thức, doanh nghiệp và cán bộ mặc cả và thương thảo để phân chia lợi ích. Điều đó làm tổn hại cho cộng đồng người dân khu vực dự án”- theo ông Thắng và thêm rằng cuối cùng nhà đầu tư được dự án lớn còn người dân bị thiệt từ lợi ích kinh tế, bị “lấy cần câu con trắm để nhận lại con tép”.
Ông Thắng cũng cho rằng, sự cấu kết giữa cán bộ và chủ đầu tư dẫn đến không có đấu thầu cạnh tranh, hỗ trợ đền bù thiếu minh bạch. Thủ tục xin phép rất phức tạp và kéo dài khiến chi phí bôi trơn thủ tục. Hợp tác giữa chính quyền và doanh nghiệp đã đẩy cộng đồng ra ngoài.
Lấp “khoảng trống chính sách” bằng giám sát
Đề cập đến vấn đề tại sao sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thì số doanh nghiệp phải trả phí nhiều hơn, phải chăng cần chỉnh sửa đổi luật đất đai? ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp phải bỏ ra những chi phí không chính thức để “bôi trơn” do liên quan đến nhiều chính sách chứ không đơn thuần do những rào cản quy định của luật đất đai.
“Nhiều chính sách, nhiều văn bản nhưng tham nhũng không giảm mà lại tăng? Tại sao dân không tin hay pháp luật không vào cuộc sống?”- ông Tuấn đặt vấn đề, và cho rằng: Chính phức tạp quy trình giao đất làm chi phi ngầm không chính thức rất cao. “Nếu dự án nào quy trình 3 năm xong thủ tục thì đó là thành công, nhưng rất ít dự án được như vậy.
Chưa kể nhiều quy trình không nằm trong chính thức như ở tỉnh dự án 50 ha trở lên phải do tỉnh ủy, thành ủy quyết định. Hội đồng này gồm có hơn 10 người tham gia, ai cũng có quyền bác cho nên chủ đầu tư phải chạy từng người. Chính tính phức tạp quy trình thì phát sinh chi phí không chính thức, nguy cơ tham nhũng”- ông Tuấn nói.
Chỉ ra 4 yếu tố hạn chế hiệu quả của việc PCTN trong lĩnh vực đất đai như: thiếu chính sách khuyến khích tham gia; thiếu không gia thảo luận mở; thiếu nguồn lực đặc biệt là người điều hành để hỗ trợ sự tham gia của chính quyền địa phương; thiếu giám sát việc tuân thủ nguyện vọng lợi ích cộng đồng, ông Thắng cho rằng “chỉ giải được vấn đề trên khi chú ý đến vai trò giám sát của cộng đồng, của MTTQ”.
Từ đó ông Thắng kiến nghị cần cho phép người dân thể hiện nguyện vọng với Chính phủ. Logic này hướng tới việc tăng tính minh bạch, tiếp cận và phân bổ công bằng các nguồn lực công.
Cải cách chính sách tạo nền móng cho việc thực thi dân chủ cơ sở, trao quyền cho người dân nhằm chuyển việc lập kế hoạch phát triển từ dựa trên mệnh lệnh và kiểm soát sang dựa trên sự tham gia của người dân.
Có cơ chế để người dân giám sát việc tuân thủ quyết định, giám sát thông qua các phương tiện truyền thông. Thiết lập cơ chế đề cao trách nhiệm tích cực tiếp nhận ý kiến công dân, pháp lệnh thực hiện dân chủ xã, phường, thị trấn, luật đất đai 2013, sửa đổi Luật PCTN kiểm soát tốt hơn sự câu kết.
Cùng chung quan điểm cho rằng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai từ những “khoảng trống chính sách”, TS Andrew Wella Dang- Cố vấn Quản trị cao cấp, Oxfam Việt Nam cho rằng: Tham nhũng do khoảng trống chính sách khiến từ tham nhũng không chính thức tới chính thức.
Sự cấu kết bắt tay công - tư, giữa quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế kết hợp với nhau. “Thời gian qua sự kết nối tham nhũng diễn ra là do sự tham gia giám sát của cộng đồng chưa được mạnh mẽ. Sự tham gia giám sát của cộng đồng là quan trọng nhất cho nên phải kiểm soát tham nhũng, giảm “khoảng tự do chính sách” bằng việc phát huy mô hình người dân giám sát, và sự tham gia của cộng đồng”- ông Andrew Wella Dang bày tỏ.