Giám sát để đồng hành phát triển: Bài 2: Tạo chuyển biến về nhận thức

Anh Vũ 20/12/2015 09:10

Năm 2015, Mặt trận đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan các tổ chức đoàn thể triển khai các chương trình giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp và giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân. Theo đánh giá của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam các hoạt động giám sát đã thu được những kết quả có ý nghĩa trên nhiều phương diện và tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam. 

Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh và đoàn công tác giám sát
việc chấp hành pháp luật các cơ sở y tế tư nhân tại BV đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội.

Thu hồi hàng trăm tỷ đồng nợ đọng BHXH

Những năm qua tình trạng nợ đọng, chiếm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) diễn ra tại phần lớn các DN, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi an sinh cơ bản của hàng trăm nghìn người lao động. Tháng 7/2014 chương trình phối hợp giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ LĐTBXH, Thanh tra Chính phủ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong công tác giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH trong các loại hình DN đã được ký kết để triển khai thực hiện trong hai năm 2014-2015.

Tính đến tháng 11/2015, tổng số tỉnh, thành phố được giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH tại các loại hình DN trong 2 năm 2014-2015 là 10 tỉnh, thành phố. Kết quả giám sát tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, việc thực hiện pháp luật về BHXH hiện nay còn một số tồn tại đó là tỷ lệ nợ đọng BHXH lớn, việc thu hồi nợ BHXH chưa cao. Số doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN) trên 3 tháng còn nhiều, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện của người lao động rất thấp.

Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, thang lương, bảng lương, quy chế lao động, nội quy lao động và đăng ký tham gia BHXH cho người lao động; việc giải quyết các chế độ BHXH về chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động còn chậm, thường chờ cơ quan BHXH quyết toán mới chi trả cho người lao động, nhận thức của người lao động về tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn chưa rõ ràng.

Đặc biệt tình trạng trốn đóng BHXH của các DN, của người sử dụng lao động diễn ra phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã không còn khả năng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động và mất niềm tin của người lao động tham gia BHXH. Tỷ lệ trung bình số DN đăng ký tham gia BHXH trên tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động chiếm 44,8% và tỷ lệ doanh nghiệp nợ BHXH trên số doanh nghiệp tham gia BHXH là 45%.

Theo kết quả giám sát tại Hưng Yên DN nợ BHXH 148,6 tỷ đồng; Bắc Giang 106,485 tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu nợ 193,9 tỷ đồng, Tiền Giang 69 tỷ đồng, Hà Nam 54,2 tỷ đồng, Nam Định 130 tỷ đồng, Phú Yên 53,614 tỷ đồng, Khánh Hòa 86,758 tỷ đồng, An Giang 64,96 tỷ đồng, Đồng Tháp 44,09 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ BHXH tại 10 tỉnh, thành phố là hơn 951 tỷ đồng.

Thành công từ các cuộc giám sát do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Thanh tra Chính phủ chủ trì chính là đã tác động tới việc nhiều DN chủ động thực hiện việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động và thực hiện việc trả nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN. Đến nay, các doanh nghiệp này đã đóng hàng trăm tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN cho cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố hoặc cam kết trả nợ BHXH, BHYT, BHTN theo lộ trình cam kết với cơ quan BHXH các tỉnh, thành phố.

Theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, với kết quả giám sát tại 10 tỉnh thành phố chỉ có khoảng ¼ số DN đăng ký hoạt động là đóng đủ BHXN còn lại là có đóng, đóng không đủ. Tình trạng nợ đọng là 20,2% và còn 55,2% là chưa đóng. Đây là vấn đề nhức nhối của xã hội đồng thời đặt ra bài toán cần giải trong quản lý kinh tế, xã hội.

“Kết quả giám sát lần này rất quan trọng để từ thực tiễn có kiến nghị những giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ quyền lợi an sinh cơ bản của hàng trăm nghìn người lao động”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Và để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, vừa qua Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam với BHXH Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp công tác về việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2020. Theo đó Mặt trận, BHXH Việt Nam góp phần cùng với các ngành khác phấn đấu mục tiêu 80% người dân có BHYT tới năm 2020.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, việc Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và BHXH Việt Nam phối hợp thực hiện giám sát chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT giai đoạn 2016-2020 thể hiện trách nhiệm đối với người lao động và các tầng lớp nhân dân, góp phần làm cho đất nước bình yên và phát triển.

“Chính sách BHXH, BHYT đang được triển khai rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân đã thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Đó là làm sao để khi ốm đau, người dân không phải chịu nhiều áp lực từ tiền thuốc, viện phí, phẫu thuật phí và khi nghỉ hưu, người lao động có một chỗ dựa, bảo đảm an sinh tối thiểu” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Đến tháng 10/2015 các Đoàn đã tiến hành giám sát tại 11 cơ sở y tế tư nhân gồm 4 bệnh viện (trong đó 2 bệnh viện có đầu tư nước ngoài, 1 bệnh viện thẩm mỹ, 1 bệnh viện đa khoa); 3 phòng khám phòng đa khoa; 2 phòng chẩn trị y học cổ truyền; 2 nhà thuốc.

Sẽ tiến hành giám sát cơ sở y tế công lập

Cũng trong tháng 9/2014 chương trình phối hợp giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân giữa Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam và Hội Dược học Việt Nam cũng được ký kết.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam, Hội Dược học Việt Nam tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc; biên soạn tài liệu giám sát điểm, lập các Đoàn giám sát và tập huấn cho các thành viên tham gia giám sát.

Đến tháng 10/2015 các Đoàn đã tiến hành giám sát tại 11 cơ sở y tế tư nhân gồm 4 bệnh viện (trong đó 2 bệnh viện có đầu tư nước ngoài, 1 bệnh viện thẩm mỹ, 1 bệnh viện đa khoa); 03 phòng khám phòng đa khoa; 2 phòng chẩn trị y học cổ truyền; 02 nhà thuốc.

Tại Hà Nội, đoàn giám sát do Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh làm trưởng đoàn đã tiến hành giám sát 3 cơ sở y tế tư nhân đó là bệnh viện Việt Pháp, bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc và phòng khám đa khoa 38 A Trần Phú.

Kết quả giám sát tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc đã phát hiện một số sai sót đó là việc lập hồ sơ bệnh án chưa rõ ràng cụ thể, một số loại thuốc chưa được niêm yết giá; tỷ lệ cán bộ, bác sỹ, điều dưỡng viên chưa có chứng chỉ hành nghề chiếm số lượng lớn…

Còn tại phòng khám đa khoa 38 A Trần Phú đoàn giám sát cũng đã chỉ ra một số khuyết điểm của phòng khám đó là chưa thực hiện đúng với quy định của cơ quan chức năng về việc treo biển hiệu, giá một số loại thuốc bán trong nhà thuốc bệnh viện chưa thực hiện theo đúng thông tư 15 của Bộ Y tế…

Kết quả giám sát cho thấy tại 11/11 cơ sở y tế tư nhân cơ bản chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về hành nghề y tế tư nhân, chưa pháp hiện vi phạm nghiêm trọng về pháp luật hành nghề y tế tư nhân. Có một số vi phạm nhỏ được phát hiện như tại một số cơ sở chưa hoàn chỉnh lý lịch tư pháp của nhân viên y tế, công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh.. theo quy định của Luật Khám chữa bệnh.

Qua giám sát, các đoàn giám sát đề nghị Mặt trận Trung ương và Bộ Y tế nên giám sát cả y tế nhà nước, như vậy mới thể hiện sự bình đẳng và không phân biệt giữa các cơ sở y tế tư nhân hay nhà nước, mặt khác y tế Nhà nước chiếm thị phần chủ yếu trong hoạt động dịch vụ y tế khám chữa bệnh của nhân dân.

Cùng với đó Nhà nước nên thể chế hóa bằng văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực chăm sóc y tế từ xa để giảm bớt quá tải cho các cơ sở y tế trong việc tư vấn, khám bệnh, giảm bớt thời gian chờ đợi, đi lại và chi phí cho người bệnh.

Bộ Y tế nên quy định việc xếp hạng bệnh viện tư nhân vì hiện nay chưa có quy định xếp hạng bệnh viên tư nhân nên không khuyến khích các cơ sở này thực hiện khám, chữa bệnh đối với bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế. Đoàn giám sát cũng kiến nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên có quy định khung giá trần của dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ y tế tư nhân. Bởi nhà nước có trách nhiệm quản lý giá, trong đó có giá dịch vụ y tế.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những kết quả bước đầu của chương trình phối hợp giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân cũng đã phát hiện những sai phạm nhưng không phải là sai phạm lớn.

“Trong thời gian tới việc giám sát này sẽ được chuyển giao cho các địa phương và sẽ có sự bàn bạc thống nhất với Bộ Y tế để Mặt trận tham gia giám sát cả y tế nhà nước, như vậy mới thể hiện sự bình đẳng và không phân biệt giữa các cơ sở y tế tư nhân hay nhà nước”- Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Tính đến tháng 11/2015, tổng số tỉnh, thành phố được giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH tại các loại hình DN trong 2 năm 2014-2015 là 10 tỉnh, thành phố. Kết quả giám sát tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy, việc thực hiện pháp luật về BHXH hiện nay còn một số tồn tại, đó là tỷ lệ nợ đọng BHXH lớn, việc thu hồi nợ BHXH chưa cao. Số DN chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN) trên 3 tháng còn nhiều, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện của người lao động rất thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát để đồng hành phát triển: Bài 2: Tạo chuyển biến về nhận thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO