Giám sát để không có việc bầu thay, bầu hộ

Hương Diệp 25/03/2016 16:57

“Phải thông tin về tiểu sử của từng người ứng cử đến từng gia đình để khi bầu cử, cử tri lựa chọn chính xác nhất. MTTQ cần giám sát quá trình bầu cử để không có việc bầu thay, bầu hộ”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đề nghị trong buổi giám sát tại tỉnh Phú Thọ.

Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha chỉ đạo tại buổi giám sát.

Ngày 25/3, Đoàn giám sát của UBTƯ MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha làm Trưởng Đoàn đã giám sát tình hình, tiến độ, kết quả thực hiện bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại tỉnh Phú Thọ.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác bầu cử, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Thủy cho biết, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Tỉnh ủy, việc triển khai công tác bầu cử đã được tiến hành khẩn trương, nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ thống nhất, đảm bảo dân chủ, công khai, đúng luật.

Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã thành lập 3 Ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm 28 thành viên và 21 Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh gồm 235 thành viên. Đối với cấp huyện đã thành lập được 107 ban bầu cử gồm 978 thành viên và cấp xã thành lập được 1.982 ban bầu cử gồm 15.439 thành viên.

Các bước của quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được triển khai tích cực, nghiêm túc, chặt chẽ, đảm bảo nội dung và thời gian đúng như theo luật định.

Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 đã thỏa thuận và biểu quyết nhất trí danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV gồm 13 người (chưa tính 3 đại biểu của trung ương), trong đó đối với cơ cấu kết hợp, số đại biểu nữ chiếm 69,25% và đại biểu là người ngoài đảng chiếm 62,50% tổng số đại biểu Quốc hội được giới thiệu. Người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh là 160 người, HĐND cấp huyện là 947 người và 14.306 người ứng cử HĐND cấp xã.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phú Thọ Trần Phù Tiêu, việc triển khai công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh rất “thuận” nhờ sự phối hợp và thống nhất hành động giữa MTTQ và các tổ chức thành viên.

“Đến nay, MTTQ tỉnh không nhận được đơn thư khiếu nại đối với cá nhân tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đối với những người bị tạm giam, tạm giữ, MTTQ đã phối hợp với địa phương để đảm bảo quyển lợi cử tri tham gia bầu cử và có cơ chế cho việc thực hiện này”, ông Trần Phù Tiêu thông tin.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đánh giá cao tỉnh Phú Thọ đã chủ động, sáng tạo trong việc phối hợp triển khai công tác bầu cử đảm bảo đúng thời gian, tiến độ.

Việc giới thiệu người ứng cử được tiến hành đảm bảo đúng quy trình có những hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan tổ chức để tiến hành giới thiệu người ứng cử.

Cơ cấu người tham gia ứng cử đảm bảo đúng tỉ lệ quy định, đối với cơ cấu kết hợp đại biểu tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, tỉnh Phú Thọ là đơn vị có tỷ lệ nữ tham gia ứng cử ĐBQH đứng đầu cả nước - đạt tỷ lệ hơn 69% và tỷ lệ đại biểu là người ngoài Đảng cao, đảm bảo sự công bằng giữa người ứng cử và tự ứng cử.

Việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đề nghị MTTQ các cấp cần tập trung vào xác minh ý kiến cử tri về từng cá nhân ứng cử về nhân thân và tài sản để bước vào hiệp thương lần thứ 3.

“Phải thông tin về tiểu sử của từng người ứng cử đến từng gia đình để khi bầu cử, cử tri lựa chọn chính xác nhất. MTTQ cần giám sát quá trình bầu cử để không có việc bầu thay, bầu hộ”, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát để không có việc bầu thay, bầu hộ