Giám sát để tránh “mình chuột đuôi voi"

H.Vũ 14/11/2017 06:00

Bên cạnh câu hỏi tiền để làm dự án, vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội lo nhất vào lúc này khi Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành diễn ra ngày 13/11, chính là liệu tiền có tăng lên nữa trong thời gian tới, cũng như phương án để tránh tái lấn chiếm.


Mô hình Cảng hàng không quốc tế Long Thành Ảnh: TL

Liệu có tăng vốn nữa không?
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đề nghị, làm rõ vấn đề vốn cho dự án. Bởi theo ông vốn cho dự án liên tục tăng sau mỗi lần báo cáo. “Lúc đầu, UBND tỉnh Đồng Nai báo cáo là hơn 13 ngàn tỷ đồng, sau đó là hơn 18 ngàn tỷ đồng và hiện nay là hơn 23 ngàn tỷ đồng. Đáng nói hơn, đây chỉ là con số ước tính vào tháng 7/2017 trong khi đây là dự án lớn, cần nhiều thời gian triển khai, đến khi thực tế triển khai thì có tăng nữa hay không?” - ông Tiến phân tích đồng thời đặt vấn đề: Chính phủ dự phòng 10% cho dự án thì có đủ giải quyết những vấn đề phát sinh hay không? Như báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế đã nêu nhiều hạng mục dự toán có giá trị lớn là ước tính, thiếu cơ sở tính toán. Báo cáo chưa xử lý việc chi phí đền bù sẽ thay đổi theo thời gian hàng năm, chưa làm rõ khả năng đáp ứng từ nguồn dự phòng của dự án.

Theo ông Tiến, Quốc hội đã thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, bố trí 5 ngàn tỷ đồng để giải phóng mặt bằng cho dự án nhưng nay Chính phủ trình Quốc hội cần hơn 23 ngàn tỷ đồng, như vậy, hơn 18 ngàn tỷ đồng phải lấy từ nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn. “Theo quy định, nguồn này chỉ được sử dụng trong trường hợp nguồn thu ngân sách nhà nước đảm bảo kế hoạch. Thời gian này, ngân sách nhà nước đang hết sức khó khăn, có thể thu không đạt kế hoạch, nên rất khó sử dụng nguồn dự phòng này. Bên cạnh đó, nhiều dự án cũng dự định sử dụng nguồn này, vậy có đáp ứng được nhu cầu không?”-ông Tiến lo ngại.


ĐBQH Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam)

Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể giải trình, hiện vốn trung hạn nhiệm kỳ này tập trung chủ yếu vào đường cao tốc nên đường sắt và một số công trình đường bộ dở dang không phải cao tốc đang gặp rất nhiều khó khăn. Có công trình đã có cầu mà chưa có đường, nếu không bố trí vốn làm trong nhiệm kỳ này sẽ dẫn đến lãng phí cũng như gây bức xúc cho người dân. Do đó Chính phủ mới đề xuất bố trí nguồn vốn thực hiện 10 công trình quốc lộ đang bức xúc. Cũng như vậy, đường sắt Bắc-Nam là tuyến huyết mạch nhưng hiện có 4 công trình cầu yếu, cần phải sửa chữa, nâng cấp nếu xảy ra sự cố thì hết sức khó khăn. “Với 15 ngàn tỷ đồng, nếu Chính phủ sử dụng không đúng mục đích, mục tiêu sẽ có Quốc hội giám sát, đoàn ĐBQH, và nhân dân giám sát”-Bộ trưởng Thể cho hay.


Đất nghĩa trang đắt hơn đất biệt thự?

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị, cần tính kỹ được và mất khi quy hoạch 2 khu tái định cư. Ông Cường đưa ra phân tích: Trong 2018-2019 sẽ xây dựng xong 1 khu tái định cư với diện tích 280 ha và có 4.823 lô đất, trong đó 98% dành để tái định cư cho hơn 4.000 hộ. Giai đoạn 2019-2020 xây dựng tiếp khu tái định cư với diện tích 282,79 ha phân thành 1.539 lô đất và có 30% để tái định cư cho 469 hộ dân. Phương án này ngoài diện tích tái định cư còn dư ra 1.166 nền đất để xây dựng nhà ở theo mô hình phát triển khu đô thị mới. Tuy nhiên việc xây khu tái định cư có bất cập khi những khu vực quy hoạch xây dựng đô thị mới giá đất trên thị trường thay đổi hàng ngày. “Trong khi 4.727 hộ khu tái định cư giai đoạn 1 đã nhận đền bù xong trong giai đoạn 2018-2019 thì 469 hộ ở giai đoạn 2 đến 2020 mới đền bù di dời tái định cư thì khi đó giá đất trên thị trường tăng lên rất nhiều. Vậy lúc đó thực hiện đền bù theo giá thị trường hay giá giai đoạn trước? Đây chính là nguyên nhân dễ gây khiếu kiện trong giải phóng mặt bằng và đền bù tái định cư hiện nay”-ông Cường đặt vấn đề.

Theo ông Cường, cần tính toán lại việc quy hoạch khu nghĩa trang tại xã Bình An. Theo báo cáo sẽ quy hoạch khu nghĩa trang 50,9ha tại đây, trong đó 20ha là khu nghĩa trang nhân dân phục vụ cho dự án tái định cư. Với vị trí đắc địa như Long Thành thì đất nghĩa trang có thể còn cao hơn nhiều so với đất đô thị, đất biệt thự. Do vậy đề nghị cân nhắc bài học kinh nghiệm từ nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội quy mô chưa đến 20 ha nhưng là vật cản rất lớn thu hút đầu tư phát triển đô thị hóa phát triển xuống phía Nam của Hà Nội. Quy mô nghĩa trang dự án này gấp 3 lần so với Văn Điển cho nên cần cân nhắc giữa lợi ích trước mắt rất lớn nhưng hậu quả tương lai lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của cả một khu vực trung tâm Đông Nam Bộ.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), làm thế nào để chống tái lấn chiếm đất bởi từ khi có Nghị quyết đến nay đã có rất nhiều hộ “nhảy dù”. Các đại biểu cũng phát biểu rằng đã phải bồi thường, tái định cư cho cả những hộ này. “Tôi lo nhất là khi chúng ta thu hồi và sau đó lại tiếp tục tái lấn chiếm, rất khó giải quyết. Chắc chắn toà án của Long Thành sẽ không đủ năng lực để giải quyết các vụ kiện vì các vụ kiện sẽ rất nhiều, phải giải quyết nhiều lần”- ông Nhưỡng nói đồng thời đề nghị cần bổ sung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lợi dụng chính sách để trục lợi, lấn chiếm đất đai đã bị thu hồi. Đồng thời không nên để cho các thành phố mọc lên xung quanh sân bay, cần tổ chức nghiên cứu, để làm sao đảm bảo an toàn bay và đời sống dân sinh.

Còn ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, hiện dự án bước vào khâu cụ thể sau gần 12 năm kéo dài. Đến nay vẫn lắng nghe ý kiến xã hội nên hay không nên? Cho nên sự thận trọng trong việc quyết định là hết sức cần thiết. Bởi có quá nhiều dự án “mình chuột đuôi voi”, đưa ra lúc đầu thì nhỏ nhưng về sau phình ra ghê gớm gây bức xúc của người dân. “Vì thế cần có sự giám sát chặt chẽ để tạo niềm tin cho dân ” - ông Quốc nói.

Tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu/tháng
Cùng ngày, với hơn 86,5% ĐBQH tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Theo Nghị quyết này từ 1-7-2018, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và tiết kiệm để cải cách lương.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát để tránh “mình chuột đuôi voi"

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO