Chính trị

Giám sát lại những vấn đề nóng

H.Vũ 22/08/2024 09:43

Ngày 21/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 Đoàn ĐBQH tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn 2 nhóm vấn đề. Nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực Công thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Văn hóa, thể thao và du lịch. Nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.

anh-1(2).jpg
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh: Quochoi.vn

Hàng giả, hàng lậu vẫn bán công khai ở nhiều nơi

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, ĐB Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) và ĐB Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng: Tình trạng hàng giả, hàng lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn bày bán công khai ở nhiều nơi. Thủ đoạn ngày càng tinh vi, có hệ thống và gần đây thực sự chủ yếu xuất hiện nhiều trên không gian mạng. Từ đó đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm và cho biết những giải pháp nào đã và đang triển khai hướng tới xử lý triệt để vấn đề này.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua đã phối hợp với các lực lượng trong phòng, chống gian lận thương mại; bao gồm các lực lượng: Công an, biên phòng, hải quan, Ban chỉ đạo 389 của các địa phương. Đồng thời yêu cầu các sàn giao dịch, các website rà soát để ngăn chặn, bóc gỡ hàng nghìn gian hàng giả, hàng kém chất lượng và những đối tượng vi phạm một vài lần trở lên.

Đưa ra giải pháp trong thời gian tới, theo ông Diên, Bộ Công thương sẽ chủ trương tiếp tục tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung những quy định về xử phạt những hành vi vi phạm trong thương mại. Đặc biệt là thương mại điện tử để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tăng cường và làm tốt hơn việc xây dựng cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan có liên quan bao gồm Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính để quản lý các vấn đề về hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng và chống thất thu thuế trong lĩnh vực này. Nâng cao hiệu quả Cổng thông tin điện tử về tiếp nhận và xử lý thông tin về những hiện tượng vi phạm về gian lận thương mại.

Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông để giúp người tiêu dùng nâng cao hiểu biết và tự bảo vệ mình. Cuối cùng, để thực hiện được nhiệm vụ này thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và đặc biệt là người dân để kịp thời đấu tranh làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử.

Điều hành giá điện còn nhiều bất cập

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) phản ánh, cách tính giá bậc thang điện hiện nay chưa phù hợp với người dân. Trong đó, bậc 1 của điện sinh hoạt quy định mức sử dụng chỉ từ 0-50kWh. Ngoài ra, người dân còn bị chịu thuế giá trị gia tăng (VAT 10%). Do đó, ông Hòa đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu, nâng mức điện sinh hoạt bậc 1 lên 100kWh và tính toán xem có miễn được thuế VAT hay không?

Về vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, biểu giá điện bậc thang là mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia để khuyến khích khách hàng sử dụng tiết kiệm. Bởi điện là sản phẩm rất khác so với các ngành khác, càng sản xuất nhiều, càng ảnh hưởng tới môi trường.

Hiện nay, Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân gồm có 6 bậc. Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã chủ trì sửa đổi Quyết định này. Theo đó, trong dự thảo trình Chính phủ sáng ngày 21/8, giá điện bán lẻ được giảm từ 6 bậc thành 5 bậc. Trong đó, bậc 1 nâng từ 0-50kwh lên 0-100kWh, như đề xuất của đại biểu Quốc hội. Cách tính này sẽ góp phần hỗ trợ người nghèo. Từ mức 30 đến hết khung bậc 1, người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định.

Tuy nhiên ngay sau đó, ĐB Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) nói rằng, cử tri và nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều hành giá điện có nhiều bất cập, và đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây thua lỗ cho ngành điện trong năm 2022 và năm 2023.

Về việc điều hành giá điện còn bất cập, gây thua lỗ cho ngành điện, ông Diên cho rằng, việc điều hành giá điện vừa qua bất cập gây thua lỗ của ngành điện là không có. Bộ Công thương chỉ thực hiện 3 chức năng cơ bản là: quy hoạch, kế hoạch; cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra. Trong xây dựng, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện, Bộ tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá.

Về cơ chế điều hành như thế nào để EVN không bị lỗ trong tương lai, ông Diên thông tin ngành công thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Điện lực, sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 tới theo hướng xóa bù chéo giữa các đối tượng, khách hàng sử dụng điện. Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện trong dự thảo Luật Điện lực cũng như sửa đổi những quy định hiện hành.

anh-2(2).jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Quochoi.vn

Nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng”

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho biết, đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác IUU. Nghị quyết số 853 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm có giải pháp và vận động Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” về thủy sản đối với Việt Nam. “Đến thời điểm này, Bộ đang gặp những khó khăn vướng mắc nào trong quá trình vận động Ủy ban châu Âu (EC) gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản đối với Việt Nam? Bộ trưởng có cam kết cụ thể nào để giải quyết vấn đề này?” - bà Hà chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, những giải pháp nhằm gỡ thẻ vàng IUU trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định.

“Thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục chứng minh về những nỗ lực của Việt Nam trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU; phối hợp với Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cùng vào cuộc triển khai tháng cao điểm” - ông Hoan nói và chia sẻ trình độ nhân lực nghề cá còn hạn chế. Vì vậy, thời gian tới cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm có giải pháp để tăng cường nhận thức cho ngư dân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

anh-3(2).jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Quochoi.vn

Xử lý cán bộ dôi dư

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, ĐB Hoàng Quốc Khánh (Đoàn Lai Châu) cho biết, giai đoạn 2023-2025, cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương. Tuy nhiên, đến nay mới có 3 địa phương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và 3 địa phương đang trình thẩm tra nên thời gian không còn nhiều.

Để sớm ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, ông Khánh đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ không? Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào và Bộ trưởng cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ đề ra?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vấn đề sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019-2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%), và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Giai đoạn qua sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã số dôi dư ở cấp xã lên đến trên 18 nghìn người nhưng đến nay đã giải quyết khá cơ bản. Theo kế hoạch được giao đến hết năm 2025 phải giải quyết xong số này.

Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023 - 2030, bà Trà cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này trên tinh thần Nghị quyết 35. Nghị định số 29 về giải quyết chính sách tinh giản biên chế, trong đó dành riêng một khoản rất rõ trong chính sách cán bộ công chức dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Riêng cấp xã có thêm Nghị định 33 là điều kiện để chúng ta sắp xếp số cán bộ công chức cấp xã dôi dư và cán bộ không chuyên trách. Vì vậy số còn lại không nhiều. Do đó các địa phương quan tâm tập trung trên cơ sở chính sách hiện có.

“Hiện có 46/54 địa phương nằm trong diện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có nghị quyết của HĐND để hỗ trợ thêm đối với cán bộ dôi dư sau sắp xếp. Mong thời gian tới các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết năm 2025 kết thúc việc này” - bà Trà cho hay.

Hôm nay (22/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chất vấn liên quan đến lĩnh vực: Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai hoạt động “giám sát lại”, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành tiếp tục thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất, trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm vấn đề đại biểu nêu, đưa ra được nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn thực hiện cụ thể, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra của năm 2024 và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giám sát lại những vấn đề nóng